ThienNhien.Net – Để tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn, UBND các tỉnh trong vùng Tây Bắc đã rà soát các công ty đã hết hạn giấy phép khai thác nhưng vẫn tiến hành khai thác khoáng sản; những trường hợp cố tình khai thác khi giấy phép hết hiệu lực sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bà Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Chấn chỉnh việc khai thác khoáng sản
Trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện có 41 công ty khai thác khoáng sản đã hết hạn trong giấy phép khai thác; trong đó, có 14 công ty khai thác quặng sắt, 3 công ty khai thác chì kẽm, 13 công ty và hợp tác xã khai thác đá làm vật liệu xây dựng, 3 công ty và hợp tác xã khai thác đất sét làm gạch, 8 công ty và hợp tác xã khai thác cát sỏi, than, thạch anh.
Điều đáng nói là một số công ty, đặc biệt là công ty ở ở lĩnh vực khai thác đá làm vật liệu xây dựng, khai thác đất sét làm gạch và khai thác cát sỏi, tuy đã dừng hoạt động khi chưa được cấp giấy phép mới nhưng vẫn cố tình hoạt động dưới hình thức chế biến khoáng sản còn tồn lại và thu mua khoáng sản trôi nổi để chế biến. Việc làm này đã khiến Nhà nước bị thất thu thuế, làm ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân xung quanh khu vực khai thác khoáng sản.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ: Thông báo công khai
Phú Thọ là một trong 4 địa phương của cả nước được Bộ Tài nguyên và Môi trường chọn làm điểm để triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản đợt 1/2015, nhằm đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khai khoáng, tăng hiệu quả kinh tế cũng như giảm tác động đến môi trường. Mỏ được chọn để đấu giá là mỏ sắt ở khu vực Khe Bằng nằm trên địa bàn hai xã Thu Cúc (Tân Sơn) và xã Trung Sơn (Yên Lập). Để chuẩn bị cho đợt đấu giá sắp tới, tỉnh đã tổ chức xin ý kiến các ngành và địa phương trực tiếp liên quan đến mỏ, đồng thời, thông tin các bước thực hiện đấu giá, các đối tượng được tham gia đấu giá và xác định mức tiền khởi điểm đấu giá để các nhà đầu tư biết.
Tuy nhiên, việc chuẩn bị cho đấu giá quyền khai thác khoáng sản vẫn còn nhiều khó khăn, hiện tỉnh mới hoàn thiện được việc khảo sát, điều tra trữ lượng. Còn công tác thăm dò để xác định trữ lượng chính xác chưa làm được. Trữ lượng được dự báo hiện nay ở mức 5 triệu tấn mới chỉ là dự đoán, chưa chính xác. Việc này sẽ dẫn đến khó khăn trong công tác quyết định giá khởi điểm. Bên cạnh đó, việc đưa vào khai thác các mỏ sắt này cũng sẽ ảnh hưởng đến đời sống, môi trường xung quanh. Hiện tại khu vực còn 60 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trên 30 ha đất lúa của người dân và hàng chục ha rừng phòng hộ. Nếu đấu giá thành công, tỉnh sẽ phải di chuyển toàn bộ số hộ dân ra khỏi khu vực khai thác, bố trí nơi tái định cư, đất sản xuất. Đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ có phương án xử lý toàn bộ diện tích đất lúa giao cho doanh nghiệp phục vụ khai thác khoáng sản. Một số diện tích rừng phòng hộ nằm trong khu vực ảnh hưởng cũng phải đề nghị Chính phủ đưa ra khỏi vùng rừng phòng hộ…
Ông Hoàng Hà Bắc, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn: Cảnh báo nguy cơ công nghệ lạc hậu
Hiện nay gần như 100% máy móc, công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản ở Bắc Kạn là của Trung Quốc. Các công ty đều mua theo dạng lắp đặt trọn gói (FPC), từ thiết kế, thi công, vận hành – chuyển giao như: Nhà máy sắt xốp của Công ty Matexim ở khu công nghiệp Thanh Bình; chế biến chì kẽm của Narì Hamico ở Ngân Sơn; Nhà máy chì kẽm của Công ty Khoáng sản Bắc Kạn; Dự án nhà máy chì kẽm Ngọc Linh… đều là công nghệ của Trung Quốc. Các công nghệ này có lạc hậu hay không, có đảm bảo tiêu chí môi trường, an toàn và thu hồi kim loại quý hay không, không ai dám đảm bảo, vì trên thực tế, chưa có khung cơ sở chuẩn để xác định công nghệ.
Theo nguyên tắc, phải có quy định về định mức xả thải, tiêu thụ năng lượng tối thiểu, hiệu suất tối ưu của công nghệ nhưng Việt Nam chưa có quy định đó nên chúng tôi chỉ đưa ra khuyến cáo cho các công ty. Hiện nay, Trung Quốc đã thay đổi công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản, nếu không có phương thức quản lý tốt, không có hàng rào tốt, Việt Nam sẽ là điểm đến của các công nghệ lạc hậu, “đồ thải” của Trung Quốc.
Ông Nguyễn Đặng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng: Tiêu thụ khoáng sản gặp khó khăn
Tình trạng hàng loạt nhà máy khai thác và chế biến khoáng sản ngừng hoạt động do làm ăn thua lỗ có thể còn kéo dài hết năm 2015 hoặc lâu hơn nữa. Hiện nay, tỉnh Cao Bằng đang bàn giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, việc xảy ra tình trạng này đều do những yếu tố khách quan mang lại nên tỉnh cũng chưa có giải pháp nào hữu hiệu.
Trong 6 tháng đầu năm nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành công thương tỉnh Cao Bằng gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản. Tại lĩnh vực này, một loạt nhà máy đã phải ngừng hoạt động từ nhiều tháng nay do thị trường tiêu thụ sản phẩm khó khăn, sức mua thị trường giảm, sản phẩm tiêu thụ chậm, không phát huy được năng lực sản xuất. Điều này không chỉ gây tổn thất nguồn thu cho doanh nghiệp và ngân sách nhà nước mà còn khiến hàng ngàn công nhân mất việc làm.
Ông Phạm Ngọc Thạch, Cục Phó Cục Hải quan Lào Cai: Kiểm tra chặt chẽ khoáng sản xuất khẩu
Kể từ tháng 5/2015, việc kiểm soát xuất khẩu quặng sắt qua cửa khẩu Lào Cai đã được các lực lượng chuyên ngành liên quan như công an, quản lý cửa khẩu, quản lý thị trường… quản lý chặt chẽ. Mặc dù quy trình thủ tục hải quan có phân “luồng xanh”, “luồng vàng” để ưu tiên các doanh nghiệp thực thi pháp luật tốt nhằm đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian thông quan cho doanh nghiệp, nhưng với các lô hàng quặng sắt xuất khẩu thì không áp dụng đặc ân này mà Hải quan Lào Cai vẫn tiến hành kiểm tra thực tế toàn bộ lô hàng.
Hơn nữa, khi cân trọng lượng quặng xuất khẩu bằng cân điện tử phải có đủ lực lượng liên ngành thực hiện và ký kết biên bản xác nhận. Việc lấy mẫu quặng doanh nghiệp xuất khẩu đi kiểm định về chủng loại, mẫu mã, chất lượng… được thực hiện đúng quy trình, quy định. Đội công tác liên ngành cũng tăng cường thu thập thông tin phục vụ kiểm tra sau thông quan và thực hiện kiểm tra sau thông quan đối với các doanh nghiệp xuất khẩu khoáng sản có nghi vấn vi phạm, nhằm tránh các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại để buôn lậu khoáng sản làm thất thoát tài nguyên quốc gia và thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước.