ThienNhien.Net – Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa công bố báo cáo trong đó khuyến cáo các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước mới nổi không nên đầu tư quá lớn vào các nguồn năng lượng sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch bởi đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo báo cáo trên, hiện nay các nước, nhất là các nước mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil, Hàn Quốc, Nigeria… vẫn tiếp tục đầu tư phát triển nguồn năng lượng hóa thạch, nhất là các dự án nhiệt điện lớn sử dụng than đá và khí đốt. Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới lại phải “chi” những khoản tiền rất lớn, lên tới hàng trăm tỷ USD mỗi năm, để hạn chế sự gia tăng lượng khí thải CO2, nguyên nhân khiến nhiệt độ Trái Đất tăng lên, gây biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tại hội nghị về biến đổi khí hậu vừa được tổ chức tại Paris (Pháp), Tổng Thư ký OECD Jose Angel Gurria cho biết mỗi năm cộng đồng thế giới đã tài trợ hơn 100 tỷ USD để hỗ trợ các nước đang phát triển giải quyết và chống lại tình trạng biến đổi khí hậu trong khi một số quốc gia lại đang trợ cấp cho việc sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch.
Ông Gurria cho rằng đây là một “chính sách lỗi thời” và kêu gọi các nền kinh tế mới nổi cần sớm thay đổi nhận thức về vấn đề quan trọng này.
Theo Tổng thư ký OECD, mặc dù về tổng thể, hiện nay các khoản trợ cấp và hỗ trợ giá năng lượng đang giảm dần trên phạm vi toàn cầu, nhưng chủ yếu là do giá dầu mỏ giảm nhiều hơn là nỗ lực chung để tiến tới chính sách năng lượng thân thiện với môi trường và phát triển kinh tế bền vững.
Báo cáo cũng ghi nhận hầu hết mức giảm trên tập trung tại Mexico, Nga… nơi mà các khoản trợ cấp cho phát triển nguồn năng lượng “gây hiệu ứng nhà kính” đã giảm 3 tỷ USD và hơn 2 tỷ USD cho từng quốc gia trong năm 2014.
Ông Gurria nhấn mạnh: “Nếu chúng ta dừng các khoản trợ cấp sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch thì thế giới sẽ có nguồn tài chính rất lớn để phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhất là chống lại tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu đang trở nên ngày càng nghiêm trọng”.