ThienNhien.Net – Từ 30/11 đến 11/12, Pháp sẽ đăng cai tổ chức hội nghị quốc tế thường niên lần thứ 21 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris nhằm tìm các giải pháp chống lại sự nóng lên của khí hậu toàn cầu.
Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng COP21 có sứ mệnh cứu sống “cuộc sống của dân cư, đất đai, hệ thống sinh học” trên trái đất. Tuy vậy, các chủ đề đàm phán tại COP21 được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn.
Các quốc gia tham gia sẽ đàm phán về các mục tiêu và các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu: giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, tài trợ cho các quá trình chuyển đổi năng lượng, chuyển giao công nghệ….
Pháp là ứng cử viên duy nhất đăng cai tổ chức COP21. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius có vai trò tổ chức hội nghị và tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán.
Hỗ trợ ông Fabius có bà Laurence Tubiana, Đại sứ chịu trách nhiệm các cuộc đàm phán khí hậu và bà Segolene Royal, Bộ trưởng Bộ Sinh thái, Phát triển bền vững và Năng lượng (đại diện cho nước Pháp trong Liên minh châu Âu trong các cuộc đàm phán và phụ trách quan hệ với công ty, chương trình nghị sự).
Nhà ngoại giao Pierre-Henri Guignard được giao trọng trách Tổng thư ký phụ trách việc chuẩn bị của COP 21.
Các hội nghị COP nằm trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) do 196 quốc gia/ tổ chức (như EU) ký năm 1992 trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Rio.
Thỏa thuận phổ quát này công nhận rằng sự tồn tại của loài người gây ra biến đổi khí hậu và trao trách nhiệm cho các nước công nghiệp trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Về mục tiêu của COP21
Đại diện của 195 quốc gia sẽ tập hợp tại Trung tâm hội nghị ở ngoại ô Paris (Le Bourget) để đàm phán một thỏa thuận toàn cầu nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu đến 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mục đích là đạt được một thỏa thuận phổ quát và ràng buộc có thể áp dụng từ năm 2020 đối với 195 quốc gia.
Theo nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu, nhiệt độ bề mặt của trái đất đã tăng trung bình 0,85°C kể từ năm 1880 và dự báo sẽ tăng 0,3-4,8°C từ nay đến năm 2100 tùy thuộc vào sự phát ra của khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Hiệp định sẽ ký tại Paris chủ yếu nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính với mục đích là để duy trì kịch bản về sự ấm lên chỉ đến 2°C từ nay đến cuối thế kỷ.
Hội nghị cũng nhắm đến một thỏa thuận về tài chính mà phía Pháp hy vọng có thể đạt được 100 tỷ USD mỗi năm kể từ năm 2020 để giúp các nước nghèo thích ứng với mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuy vậy, mục tiêu này rất khó thực hiện bởi đến tháng 6/2015, mới có 30 quốc gia hứa tài trợ khoảng 10,2 tỷ USD trong đó chỉ 4 tỷ USD có thể sẵn sàng được giải ngân.
Hướng đến một thỏa thuận bắt buộc
Trong cuộc gặp cấp cap Pháp – Đức tại Berlin ngày 24/8, cả Tổng thống Francois Hollande và Thủ tướng Angela Merkel đều đồng ý muốn có một thỏa thuận “đầy tham vọng, toàn diện và ràng buộc.”
Pháp và Đức thống nhất rằng cần hành động nhằm hỗ trợ và khuyến khích một sự năng động thật sự của tất cả các nước để chung tay thực sự gải quyết vấn đề.
Tuy vậy, triển vọng đạt được thỏa thuận có tính ràng buộc còn khá xa vời bởi quan điểm khác nhau giữa các nhóm nước.
Liên minh châu Âu, Canada và Mỹ có quan điểm ủng hộ thỏa thuận trong khi nhóm khác gồm Trung Quốc, Ấn Độ, hay Nga và thậm chí cả Nhật Bản dường như chưa sẵn sàng.
Các nước nhỏ cũng chưa sẵn sàng cho thỏa thuận tại COP21 vì họ sợ rằng thỏa thuận COP21 có thể kìm hãm tăng trưởng. Sự chia rẽ giữa các quốc gia cũng đã thể hiện rõ tại Hội nghị COP20 tại Lima tháng 12/2014, khi rất ít các cam kết được đưa ra.
Về tình hình các cuộc thương lượng
Các bên sẽ đàm phán về một văn bản rất lớn tới hơn 80 trang với nhiều chủ đề vẫn còn chia rẽ. Một phiên đàm phán trung gian đã được tổ chức từ 31/8 đến 4/9 tại Bonn.
Các nhà đàm phán của Liên hợp quốc cho biết đến nay vẫn chưa đạt được nhiều tiến bộ hướng tới một thỏa thuận toàn cầu.
Một số vấn đề lớn vẫn còn trên bàn thương thảo: sự chia sẻ giữa các nước Bắc (nước giàu) và các nước Nam (nước nghèo), hình thức pháp lý của thỏa thuận, mức độ tham vọng hướng tới, thiết lập mức giá than đá….
Hiện đã có 58 quốc gia, đại diện cho hơn 60% lượng khí thải toàn cầu, đưa ra các cam kết của mình nhưng những đề xuất cắt giảm này «là không đủ» để hạn chế sự nóng lên của khí hậu trái đất chỉ đến 2 độ.
Hai nước phát thải lớn lượng khí gây hiệu ứng nhà kính là Trung Quốc và Mỹ đã đưa ra mục tiêu giảm 26% đến 28% lượng khí thải vào năm 2025 so với năm 2005.
Liên minh châu Âu cam kết sẽ hạn chế ít nhất 40% từ nay đến năm 2030 lượng khí thải so với mức năm 1990.
Các vấn đề còn vướng mắc
Vấn đề chính còn vướng mắc liên quan trách nhiệm lịch sử của các quốc gia đối với sự nóng lên của khí hậu toàn cầu. Những nước nào phải nỗ lực nhiều hơn? Các nước mới nổi từ chối việc áp đặt các ràng buộc vì cho rằng trách nhiệm chủ yếu thuộc các nước công nghiệp phát triển.
Trong khi đó, các nước công nghiệp phát triển cho rằng sự phân chia trách nhiệm giữa các nước giàu và mới nổi không hợp lý. Cụ thể, Trung Quốc đã trở thành quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất trên thế giới và Ấn Độ là tác nhân lớn thứ ba.
Ngoài ra, nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) gồm các quốc gia mới nổi nhưng cũng là những nước hàng đầu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Mục đích của các cuộc đàm phán là để hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong khi không hạn chế quyền phát triển ở các nước mới nổi. Nhưng vấn đề quan trọng là các nước công nghiệp phát triển không thể áp đặt quan điểm của mìnhn đối với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Và không dễ để thương thảo giải quyết các vấn đề này.
Về kinh phí tổ chức COP21
Ngân sách cho việc tổ chức COP21 được dự kiến là 170 triệu euro trong đó khoảng một phần tư được tài trợ bởi khu vực kinh tế tư nhân.
Bộ Ngoại giao Pháp cũng đặt mục tiêu kêu gọi các công ty tài trợ thêm từ 15-20%. Kinh phí tổ chức COP21 sẽ cao gấp khoảng 3 lần số tiền tổ chức COP15 tại Copenhagen vào năm 2009 và sẽ chủ yếu dành cho công tác hội thảo.
Theo ước tính, chi phí cho mỗi người dự hội nghị sẽ rất khiêm tốn và chỉ bằng khoảng 10% so với chi phí đầu người dự hội nghị G7 hay G20.
Theo Văn phòng du lịch thành phố Paris, hội nghị COP21 được kỳ vọng sẽ mang lại khoảng 100 triệu euro cho vùng Île-de-France từ các chi phí khác nhau của quan khách tham gia (khách sạn, nhà hàng, dịch vụ…).
Khoảng 51.000 đêm khách sạn đã được đặt cho khách tham gia hội nghị, đặc biệt là khu vực Roissy và Le Bourget (nơi diễn ra hội nghị).
Khoảng 3.000 người sẽ được huy động tham gia phục vụ hội nghị trong đó 1.500 cho công tác điều phối, 900 người cho công tác lễ tân, 480 phục vụ việc ăn uống và 120 người cho công tác thu dọn rác.
Dự kiến có tổng cộng khoảng 40.000 khách tham gia hội nghị và 3.000 nhà báo cho công tác thông tin.