ThienNhien.Net – Việt Nam gần như hoàn thành 8 mục tiêu đề ra và theo TS. Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc và Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, rất ít quốc gia đạt được kết quả như trên.
Ngày 21/9, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố báo cáo kết quả 15 năm thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ-Vì một thế giới không có ai bị bỏ lại phía sau.
Theo báo cáo được công bố, Việt Nam gần như hoàn thành 8 mục tiêu đề ra, trong đó có những thành tựu to lớn, như giảm sâu tỉ lệ đói nghèo, tỉ lệ học sinh được nhập học tiểu học đạt 99%, tỉ lệ tử vong ở bà mẹ giảm 3/4… Tuy nhiên, vẫn còn những lĩnh vực cần tiếp tục nỗ lực thực hiện, liên quan đến thúc đẩy bền vững môi trường, tình trạng còi cọc ở trẻ em, phòng chống HIV/AIDS…
Khía cạnh hội nhập kinh tế quốc tế được khắc họa bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức trung bình trên 7% hàng năm trong giai đoạn 2000 – 2008. Do tác động suy giảm kinh tế, tăng trưởng GDP giảm xuống 5,5% trong 2 năm 2008-2009.
Tuy nhiên, những nỗ lực khôi phục tăng trưởng kinh tế đã giúp Việt Nam từ mức tăng trưởng giảm mạnh năm 2012 là 5,25% tăng lên 5,42% năm 2013 và 5,98% năm 2014. Dự kiến mức tăng trưởng GDP năm 2015 đạt 6,2%.
Báo cáo cũng phản ánh những thách thức và bài học rút ra sau 15 năm thực hiện và theo dõi tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Trong đó, nhấn mạnh 2 chủ đề chính, đó là định hướng chính sách, cam kết đối với phát triển công bằng, và mô hình kinh tế cơ bản trong đó có sự tham gia của người dân vào nền kinh tế và hội nhập toàn cầu ngày càng gia tăng.
Theo Báo Đầu tư, phát biểu tại Lễ công bố báo cáo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lưu ý 2 nhóm bài học kinh nghiệm chính từ 15 năm thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Đó là quốc gia hóa và lồng ghép các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ vào hệ thống các kế hoạch, chương trình, chính sách của quốc gia, phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước; đồng thời xây dựng mô hình tăng trưởng toàn diện, kết hợp phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, phát triển vì người nghèo.
Chúc mừng những thành tựu Việt Nam đạt được, điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc và Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, TS. Pratibha Mehta cho biết rất ít quốc gia đạt được kết quả như trên, những thành tựu này đạt được chính là nhờ sự nỗ lực hành động của cả nước theo hướng thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.
Báo cáo này sẽ được Chủ tịch nước trình bày ở Hội nghị thượng đỉnh về Phát triển bền vững tại Trụ sở của Liên Hợp Quốc, New York cuối tuần này. Hội nghị thượng đỉnh cũng sẽ chính thức thông qua Mục tiêu phát triển bền vững, thay thế cho Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ vào đầu năm 2016.