ThienNhien.Net – Liên minh các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã bao gồm Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) và một số tổ chức quốc tế, vừa đưa ra tuyên bố chung phản đối sử dụng sừng tê giác nhân tạo như một giải pháp ngăn chặn nạn săn bắn tê giác trên thế giới.
Liên minh này cảnh báo việc buôn bán sừng tê giác nhân tạo không những kích thích nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác thật, mà còn gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật trong việc phân biệt sừng tê giác thật và nhân tạo.
Việc phát triển sừng tê giác nhân tạo là ý tưởng của Công ty Pembient tại Mỹ. Công ty này được thành lập vào tháng 1/2015 với mục tiêu “Chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép bằng hoạt động kinh doanh bền vững”.
Theo quy định tại Mục 5305a (a) Luật Bảo vệ hổ và tê giác của Mỹ (năm 1998), Liên minh các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã khuyến nghị Chính phủ Mỹ dừng tất cả các hoạt động của Pembient liên quan đến xúc tiến thương mại, quảng cáo, phát triển, sản xuất và xuất khẩu sản phẩm sừng tê giác nhân tạo.
Đồng thời, Liên minh cũng đề nghị Chính phủ Mỹ đình chỉ việc xem xét các hồ sơ xin cấp sáng chế, hoặc thương hiệu liên quan đến tê giác của Pembient.
Công ty Pembient đã sử dụng công nghệ sinh học để tạo ra sừng tê giác nhân tạo dựa trên nguồn gen của sừng tê giác thật.
Theo đó, chuỗi gen ngắn của chất keratin từ sừng tê giác thật sẽ được cấy lên nấm, hoặc vi khuẩn để tạo thành chất liệu hình thành nên sừng tê giác nhân tạo.
Pembient cho biết họ sẽ sử dụng ADN của sừng tê giác thật vào việc sản xuất sản phẩm nhân tạo.
Công ty này cũng có kế hoạch tạo ra “một nguồn cung cấp sừng tê giác khổng lồ với giá chỉ bằng 1/8 giá cả hiện nay trên thị trường,” kỳ vọng sản phẩm của họ sẽ “thật” đến mức phải bỏ ra chi phí cực kỳ đắt đỏ mới có thể phân biệt với sừng tê giác thật.
Pembient hiện đang sẵn sàng thâm nhập thị trường Việt Nam bằng việc sản xuất quảng cáo về “bản chất của sừng tê giác,” nhằm kích thích nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này.
Tại Trung Quốc, Pembient đang hợp tác với một nhà máy bia tại Bắc Kinh để sản xuất “bia sừng tê giác.” Công ty này hy vọng sẽ cho ra mắt sản phẩm này vào cuối năm nay.
Số lượng tê giác bị giết hại ở Nam Phi đã gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Nếu như năm 2007 chỉ có 13 cá thể bị giết hại thì con số này đã lên tới 1.215 cá thể vào năm 2014. Từ đầu năm 2015 đến nay, ít nhất 749 cá thể tê giác đã bị giết tại Nam Phi.
Tại Ấn Độ, từ năm 2010 đến năm 2014 đã có khoảng 107 cá thể tê giác bị giết và chỉ riêng từ đầu năm đến nay, con số này đã là 13 cá thể.
Đây là hai quốc gia có số lượng tê giác lớn nhất châu Phi và châu Á. Theo ước tính, hiện nay ở Nam Phi có khoảng 20.000 cá thể (gồm cả tê giác trắng và đen) và ở Ấn Độ có khoảng 2.900 cá thể tê giác một sừng.
Việt Nam và Trung Quốc hiện bị coi là hai thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất trên thế giới. Tại Việt Nam, sừng tê giác không chỉ được sử dụng như một loại “thần dược” chữa bách bệnh, từ say rượu đến ung thư, mà còn thể hiện đẳng cấp xã hội.
Trên thực tế, một nghiên cứu của TRAFFIC cho thấy 90% sừng tê giác được bán tại Việt nam là giả. Sự phổ biến của sừng tê giác nhân tạo không hề làm giảm nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác, thậm chí còn gia tăng việc săn lùng sản phẩm thật.
Giám đốc của tổ chức Outraged South African Citizens Against Poaching – bà Allison Thompson đã kịch liệt phản đối kế hoạch của Pembient: “Khi những nhà bảo tồn tại Nam Phi đã vô cùng mệt mỏi về thể chất và tinh thần trong cuộc chiến bảo vệ tê giác, ý tưởng của một số công ty Mỹ hiện đang muốn làm giàu bằng cách gia tăng các mối đe dọa lên những cá thể tê giác là không thể chấp nhận được. Những người này có lẽ tin rằng đây là lời giải đáp cho tất cả các vấn đề, nhưng thực tế là họ không hiểu gì. Cuối cùng chính các cá thể tê giác của chúng ta sẽ phải đón nhận hậu quả.”
Công ty Pembient cũng bị chỉ trích mạnh mẽ bởi mục tiêu sản xuất ra những sản phẩm “hoàn hảo” đến mức không thể phân biệt được thật giả. Nếu điều này trở thành hiện thực, đây sẽ là thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng trong việc phân biệt giữa sừng tê giác thật và sừng tê giác nhân tạo.
Bà Rhishja Cota-Larson, người sáng lập Annamiticus cho biết: “Pembient hoàn toàn không hiểu gì về thực trạng của nạn buôn bán động vật hoang dã. Họ cũng không hề tính đến những tác động tiêu cực mà sản phẩm này gây ra cho hoạt động thực thi pháp luật ở châu Phi và châu Á.”
Tại Việt Nam, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cũng phản đối kế hoạch kinh doanh của Pembient.
Ông Doug Hendrie, Cố vấn cao cấp của ENV cho biết: “Sản phẩm sừng tê giác nhân tạo của công ty Pembient sẽ cản trở nỗ lực giảm cầu tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam, kích thích niềm tin mù quáng vào công dụng chữa bệnh của sừng tê giác”.