ThienNhien.Net – Từ ngày 16-18/9, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có mưa vừa, mưa to đến rất to trên diện rộng. Thành phố Hòa Bình và các huyện Lạc Sơn, Kim Bôi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo báo cáo của Chi cục Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình, lượng mưa tính đến 7 giờ ngày 18/9 phổ biến các nơi từ 188-399mm. Trên các sông, suối trong tỉnh đã xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lên từ 3-5m.
Mưa lũ gây nhiều thiệt hại, trong đó có 3 người bị lũ cuốn trôi; ngập 12 nhà trên địa bàn 3 xã; tuyến đường Quốc lộ 12B, tỉnh lộ 438B và nhiều tuyến đường huyện bị sạt lở và ngập nghiêm trọng gây ách tắc giao thông; trên 7.000ha lúa, hoa màu và các loại cây trồng khác bị ngập úng có khả năng bị mất trắng; trên 3.400 con gia cầm và nhiều chuồng súc, ao cá bị lũ cuốn.
Mưa lũ cũng làm trên 50 nhà dân bị sạt lở, ngập úng; nhiều mương, kè, đập, cầu treo bị sạt lở và bị lũ cuốn…
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo sát sao công tác trực ban, cứu nạn 24/24 giờ; đồng thời đôn đốc các Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố thường trực 24/24 giờ, cử cán bộ xuống các địa bàn để chỉ đạo công tác ứng phó.
Do ảnh hưởng của rãnh thấp, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có mưa vừa, có nơi mưa rất to khiến mực nước ở các sông lên cao, gây thiệt hại ở một số địa phương trong tỉnh.
Tại huyện Tam Nông, Thanh Thủy, Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn, Cẩm Khê, đã có 3 người bị thương do mưa lũ, sét đánh; 40 căn nhà bị nước cuốn trôi, ngập nước; 735ha lúa, hoa màu bị ngập; hơn 220ha ao nuôi trồng thủy sản bị vỡ, tràn vỡ; 800m đường giao thông nông thôn, kênh mương bị sạt lở; 1 chiếc xe ôtô taxi và hơn 100 con trâu, bò, lợn, gà bị trôi…
Ngay sau khi có mưa to, gió lớn xảy ra, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các huyện đã thống kê đánh giá mức độ thiệt hại và tiến hành hỗ trợ theo đúng quy định.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ đã tổ chức bơm tiêu úng kịp thời, bảo vệ sản xuất.
Các huyện, thành, thị đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các xã huy động lực lượng tổ chức đóng mở kịp thời các cống dưới đê, huy động mọi biện pháp để tiêu thoát nước nội đồng, tiêu úng cho lúa và hoa màu, nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân.