ThienNhien.Net – Sau gần một năm từ khi Ngân hàng Thế giới (WB) áp dụng cơ chế khiếu nại mới, nhiều nghi vấn liên quan tới chính sách an toàn đối với người khiếu nại và sự thỏa đáng của các cơ chế về trách nhiệm giải trình trong các dự án do Ngân hàng tài trợ vẫn được đặt ra.
Nội dung này được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Mỹ (HRW) phân tích trong báo cáo At your own risk: Reprisals against critics of World Bank Group projects Reprisals (Tạm dịch là Chấp nhận rủi ro: Những hành vi trả đũa người chỉ trích các dự án của WB) công bố mới đây. Báo cáo này đưa ra những bằng chứng chứng minh WB và Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC – tổ chức thành viên của WB phụ trách khu vực tư nhân) không đảm bảo được an toàn cho những người lên tiếng phê phán các dự án được WB hỗ trợ.
Báo cáo cho biết, có tới 18 trong số 34 người gửi đơn khiếu nại gửi tới WB và các đơn vị có trách nhiệm như IFC, Cố vấn khiếu nại và Ban Thanh Tra (IPN) bị đe dọa hoặc phải đối mặt với một số hình thức trả thù. Tuy nhiên, các nhà chức trách của WB và IFC đã thất bại trong việc xử lý những hành vi quấy rối này.
Dẫn chứng một số ví dụ từ Ấn Độ, Campuchia, Uganda và Uzbekistan, báo cáo cho thấy Ngân hàng gần như thờ ơ với số phận những người dám lên tiếng. Trong những trường hợp như vậy, WB thường lựa chọn im lặng thay vì có những hành động phản ứng mạnh mẽ, nhanh chóng, công khai để có thể tạo ra những thay đổi thực sự.
Bà Jessica Evans, thuộc Tổ chức HRW phàn nàn: “Bấy lâu nay WB đều nói rằng những đóng góp của công chúng và trách nhiệm giải trình là chìa khóa thành công trong nỗ lực gây quỹ của họ. Tuy nhiên, việc WB lặp đi lặp lại những thất bại trong xử lý các hành vi đe dọa, quấy rối người khiếu nại chính là sự nhạo báng đối với những nguyên tắc này.”
Biện luận của Ngân hàng
Trong tuyên bố phản hồi lại báo cáo, WB khẳng định, ngay khi nhận được tố cáo về hành vi quấy rối, Ngân hàng (trong phạm vi quyền hạn của mình) đã phối hợp với các bên liên quan để giải quyết những khiếu nại. Đồng thời,WB nhấn mạnh một lần nữa cam kết sẽ hợp tác tiếp thu các ý kiến mang tính xây dựng vào 100% các dự án do WB tài trợ cho đến năm 2018.
Tuyên bố cũng giới thiệu về Ban Giải quyết Khiếu nại (GRS), một cơ chế về trách nhiệm giải trình khác ra mắt hồi tháng 4. Đơn vị này có trách nhiệm giải quyết các kiến nghị về những dự án do các tổ chức tài chính thành viên của WB là Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA – chuyên đầu tư cho các dự án ở nước có thu nhập thấp) và Ngân hàng Quốc tế Tái thiết và Phát triển (IBRD– chuyên cấp tài chính cho các nước đang phát triển có thu nhập trung bình) tài trợ.
Theo ông Qays Hamad, người đứng đầu GRS, cơ quan này được thành lập nhằm giải quyết những vấn đề về quyền, hướng tới cung cấp các biện pháp nhanh và hiệu quả hơn để giải quyết các khiếu nại. GRS cam kết sẽ phối hợp cùng các bên liên quan phúc đáp lại các thắc mắc trong vòng 30 ngày,trong đó, sẽ đưa ra các giải pháp khuyến nghị và khung thời gian thực hiện. Nếu giải pháp đưa ra được đôi bên chấp nhận, GRS sẽ làm việc với đơn vị thực thi để triển khai và giám sát cho đến khi đạt được sự hài lòng của các bên liên quan. Ngược lại, trường hợp không thống nhất được giải pháp, khiếu nại này sẽ được chuyển đến chính quyền của quốc gia sở tại hoặc IPN. Tuy nhiên, các đơn khiếu nại do IPN xử lý có thể không được chuyển đến GRS để tránh trùng lặp trong nội bộ Ngân hàng.
Trái ngược với IPN, GRS không độc lập với WB nhưng lại không bị giới hạn chỉ trong các vấn đề liên quan tới tuân thủ chính sách. GRS có thể nhận giải quyết bất kỳ khiếu nại nào liên quan tới các dự án WB đầu tư. GRS không có liên hệ chính thức nào với IPN nhưng quy trình xử lý có khá nhiều điểm tương đồng với IPN.
GRS ra đời nhằm cung cấp thêm cho cấp quản lý và người khiếu nại một cơ chế giải trình khác, giải quyết lo ngại về việc IPN trì hoãn giải quyết các đơn tố cáo. Ngân hàng dự kiến xem xét lại quy trình vận hành của GRS sau một năm thử nghiệm.
Những vấn đề với Ban Thanh tra
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết sự vững bền của IPN cũng từng bị đặt dấu hỏi trong Bản Tư vấn pháp lý số 6 của WB công bố hồi tháng 2 mang tên: “Improving Delivery in Development: The Role of Voice, SocialContract, and Accountability”.
Về cơ bản, bản chất của IPN chỉ là một cơ chế tìm hiểu thực tế. Những gì người khiếu nại thực sự mong muốn từ cơ quan này là một cơ chế đền bù. Tuy nhiên, sự thiếu minh bạch trong quá trình đệ trình các khuyến nghị lên cấp quản lý là nguyên nhân dẫn tới thất bại trong giải quyết khiếu nại.
Ngoài ra, INP cũng không có cơ chế để người khiếu nại phản đối các kế hoạch hành động đã được IPN hoặc Hội đồng quản trị thông qua. Kết quả là, các báo cáo cũng như kế hoạch hành động của IPN không thỏa mãn được những lo lắng của người khiếu nại, khiến họ cảm thấy nỗ lực của họ dường như vô nghĩa.
Báo cáo của HRW cũng đề cập tới việc lãnh đạo Ngân hàng có thể phớt lờ những khuyến nghị và trì hoãn những giải pháp do IPN đề xuất. Hơn thế nữa, các thành viên của IPN lại chính là những giám đốc điều hành do Chủ tịch Ngân hàng bổ nhiệm. Điều này làm mất đi tính minh bạch, thiếu sự tham gia của công chúng và trách nhiệm giải trình – những điểm cốt lõi trong pháp lệnh của INP. Do đó, IPN không thể đạt tới tính độc lập như mong đợi từ một cơ chế pháp lý thúc đẩy sự tin cậy và tính hiệu quả.
Báo cáo nhận định sự tồn tại của IPN chỉ khiến các nhân viên ngân hàng nâng cao ý thức tuân thủ các chính sách an toàn, giúp thay đổi “văn hóa phê duyệt” sang đánh giá kỹ hơn tác động bất lợi của dự án. Nếu không thoát khỏi khuôn mẫu làm việc đặt lợi ích ngân hàng lên trên hết thì IPN sẽ chẳng khác nào một bộ phận kiểm toán nội bộ hơn là một cơ quan thực hiện pháp lý. Để thay đổi cách nhìn nhận này, IPN phải xác định và buộc bên vi phạm bồi thường những tổn thất mà những người khiếu nại phải hứng chịu.