ThienNhien.Net – Một báo cáo khoa học gần đây cho biết phát thải do tháo nước khỏi các vùng đất than bùn để trồng cọ tại Đông Nam Á đáng lo ngại hơn nhiều so với con số đưa ra trước đó của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC).
Báo cáo được công bố trên Tạp chí Environmental Research Letters đầu tháng 7 vừa qua.
Tác giả của báo cáo, bao gồm các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Môi trường – Đại học Minnesota, và Hiệp hội các nhà khoa học (Union of Concerned Scientists – USC), đã bắt đầu xem xét liệu mực nước ngầm có thể được sử dụng làm thước đo lượng carbon thất thoát do trồng cây trên đất than bùn bị tháo kiệt – loại đất bùn đặc hình thành sau hàng ngàn năm và tích trữ một lượng carbon lớn.
Đất rừng than bùn chiếm khoảng 250,000 km2 diện tích Đông Nam Á, tương đương diện tích của bang Michigan, Mỹ. Trong vòng 15 năm trở lại đây, diện tích đất rừng than bùn đã nhanh chóng bị thu hẹp, hoặc bị đốt hoặc bị tháo cạn để trồng dầu cọ hay gỗ lấy bột giấy. Điều này khiến lớp than bùn phía trên dễ tiếp xúc hơn với oxi, thúc đẩy quá trình phân hủy và dẫn đến tăng lượng phát thải carbon vào không khí, gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu. Indonexia là quốc gia có lượng phát thải carbon lớn thứ ba trên thế giới chỉ xếp sau Mỹ và Trung Quốc, phần lớn là do chuyển đổi mục đích sử dụng đất than bùn.
Một nghiên cứu trước đó đã kết luận, mặc dù đất bùn chỉ bao phủ 2-3% bề mặt Trái Đất nhưng lại tích trữ khoảng 1/4 tổng lượng carbon trong đất, tương đương với tổng lượng carbon trong không khí. Vì vậy, nhiều công ty mua hàng hóa có nguồn gốc từ rừng than bùn đã cam kết tự giảm phát thải carbon bằng cách loại trừ dầu cọ ra khỏi chuỗi cung ứng của mình.
Biến đổi khí hậu do quá trình nóng lên toàn cầu cũng là tác nhân khiến các vùng đất bùn trở nên khô kiệt, dẫn đến một “chu trình nguy hiểm” khi ngược lại, đất bùn bị đốt cháy góp phần đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu, đồng thời các vùng đất càng trở nên khô kiệt thì càng nhiều carbon bị thất thoát.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Minnesota và Hiệp hội UCS đã xác định mối tương quan giữa mực nước ngầm và tỷ lệ carbon mất đi và gợi ý sử dụng mực nước ngầm làm thước đo giúp ước đoán chính xác hơn lượng phát thải khí nhà kính từ dầu cọ được các công ty thu mua và sử dụng trong các sản phẩm hay quá trình sản xuất.
Để ước lượng carbon phát thải từ việc phá rừng than bùn, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thu thập số liệu từ các nghiên cứu đã công bố trước đây về mực nước ngầm và cân bằng carbon ở các khu rừng nhiệt đới trên đất than bùn, sau đó so sánh số liệu carbon thất thoát từ hai phương pháp tính toán: độ sụt lún và theo cân bằng khối lượng.
Để tìm ra tỷ lệ sụt lún, họ không chỉ đo độ lún của đất mà còn đo cả lượng carbon chứa trong đất tại các khu rừng được chọn nghiên cứu. Nhưng nếu chỉ có vậy thì khó có thể đánh giá tổng thể mức độ ảnh hưởng của việc tháo nước từ một khu rừng cụ thể đối với quá trình nóng lên toàn cầu. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã áp dụng thêm mô hình cân bằng khối lượng nhằm tính toán lượng phát thải carbon dựa trên mức độ gia tăng (khi trồng cây mới trên đất than bùn) và sụt giảm (khi thất thoát carbon từ đất) của tổng cân bằng carbon. Phương pháp này cho phép đưa số liệu carbon dioxide và methane vào các ước tính, giúp tăng mức độ chính xác của việc dự đoán tác động từ chuyển đổi mục đích sử dụng đất than bùn sang trồng dầu cọ đối với quá trình nóng lên toàn cầu.
Các nhà nghiên cứu kết luận ở mực nước cạn 70 cm, tỷ lệ carbon thất thoát là khoảng 20 tấn/ha/năm – gần gấp đôi so với con số 12 tấn carbon/ha/năm mà IPCC đưa ra. Sự khác biệt này cần được làm sáng tỏ bằng nhiều nghiên cứu bổ sung khác, bà Kimberly Carlson – một thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết. Theo bà, mặc dù các tính toán của nhóm đã tận dụng được nguồn dữ liệu mới được công bố, vẫn còn thiếu nghiên cứu về các khu vực đất than bùn nhiệt đới, khiến ước lượng thất thoát carbon không thống nhất và thường chỉ dựa trên giả định chứ không phải số liệu thực nghiệm.
Đồng tác giả Lael Goodman, Hiệp hội UCS khẳng định phương pháp khả thi nhất để giảm phát thải khí nhà kính từ đất than bùn là ngăn chặn mở rộng các đồn điền cọ. Kết quả nghiên cứu trên đã giúp tăng thêm sức nặng của đề xuất này.