ThienNhien.Net – Các Vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên đóng vai trò quan trọng trong công cuộc bảo vệ rừng nhiệt đới, các quá trình sinh thái tự nhiên và các loài bị đe dọa. Tuy nhiên, nhiều khu bảo tồn lại nằm xen với khu dân cư và các yếu tố ảnh hưởng khác. Điều này đôi khi dẫn đến xung đột giữa mục tiêu kinh tế – xã hội và bảo tồn.
Sự bất cập này có thể thấy ở Việt Nam – một quốc gia giàu có về đa dạng sinh học. Để giải quyết vấn đề suy giảm đa dạng sinh học do môi trường sống của các loài động thực vật hoang dã bị thu hẹp, Việt Nam đã thành lập một hệ thống gồm 30 Vườn quốc gia và 126 khu bảo tồn thiên nhiên(*). Măc dù vậy trong những thập kỷ gần đây diện tích rừng tiếp tục suy giảm và có đến 350 loài thực vật bị liệt vào danh sách bị đe dọa ở nhiều mức độ.
Trong khi đó, rất ít nghiên cứu được tiến hành để kiểm tra số lượng còn sót lại của những loài thực vật có tên trong sách đỏ của IUCN và Việt Nam ở các khu bảo tồn khác nhau, mặc dù kết quả nghiên cứu có thể giúp cải thiện hiệu quả của các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học.
Rừng ở Xín Mần, Hà Giang (Ảnh: PanNature)
Một nghiên cứu mới đây được công bố trên Tạp chí Tropical Conversation Science đã khảo sát mức độ đa dạng của các loài thực vật có tên trong sách đỏ Việt Nam ở các phân khu bảo tồn khác nhau để tìm hiểu các tác động tiêu cực từ con người lên các loài thực vật này và môi trường sống của chúng.
Nghiên cứu được thực hiện tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Xùa thuộc vùng Tây Bắc Việt Nam thông qua việc phân tích mức độ phong phú của các loài thực vật sách đỏ tại 3 khu vực với mức độ bảo vệ khác nhau: (1) vùng lõi – được bảo vệ nghiêm ngặt không cho phép mọi hoạt động khai thác, (2) vùng đệm – được quản lý bởi địa phương cho phép mức độ khai thác truyền thống như kiếm củi và thu hoạch hạn chế và (3) phân khu phục hồi sinh thái – cho phép định cư và trồng trọt.
Báo cáo ghi nhận mức độ suy giảm đa dạng các loài thực vật như sau: từ 193 loài thực vật được ghi nhận ở vùng lõi giảm xuống chỉ còn 173 loài ở vùng đệm và 135 loài ở phân khu phục hồi sinh thái. Thống kê riêng 18 loài thuộc Sách Đỏ, chỉ có 16 loài được tìm thấy ở vùng lõi, 10 loài ở vùng đệm và chỉ có 5 loài ở phân khu phục hồi sinh thái. Những gốc cây sau khi bị chặt và những con đường mòn – dấu vết về sự can thiệp của con người được tìm thấy ít nhất trong vùng lõi, vùng đệm có số lượng đường mòn nhiều nhất và số lượng gốc cây bị đốn nhiều nhất lại thuộc về phân khu phục hồi sinh thái.
Hầu hết các loài trong sách đỏ, chẳng hạn như Cây Pơ mu (Fokienia hodginsii), đạt mức phân bổ dày đặc nhất trong vùng lõi (chỉ riêng loài Dẻ cau vẫn duy trì mật độ cao trong phân khu phục hồi sinh thái). Từ đó, các nhà nghiên cứu kết luận sự đa dạng và phong phú của các loài trong sách đỏ và tất cả các loài thực vật trong khu vực được nghiên cứu giảm dần từ vùng lõi đến vùng đệm và đến phân khu phục hồi sinh thái, với nguyên nhân chính là sự can thiệp của con người. Nghiên cứu tại các khu rừng nhiệt đới ở Mexico, Ấn Độ và Amazon cũng cho kết quả tương tự.
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng hiệu quả của công tác bảo tồn liên quan trực tiếp đến mức độ bảo vệ hợp pháp của mỗi khu vực cụ thể – mức độ cao nhất sẽ đảm bảo tăng cường các kết quả bảo tồn. Các tác giả cũng khuyến cáo kiểm soát nghiêm ngặt hơn đối với một số khu vực được bảo vệ nhất định, chẳng hạn vẫn còn nhiều hoạt động khai thác gỗ trên mức quy định tại vùng đệm.
“Từ quan điểm bảo tồn, khai thác gỗ có chọn lọc ở mức thấp là phương pháp bảo vệ các loài bị đe dọa tốt hơn so với du canh”, các tác giả kết luận.
*Theo Quyết định 1976/QĐ- TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướngChính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầmnhìn đến năm 2030, thì đến nay Việt Nam đã có 164 KBT rừng đặc dụng với tổngdiện tích gần 2,2 triệu hec-ta, và phấn đấu đến năm 2020 mở rộng lên 2,4 triệuvới 176 khu.