ThienNhien.Net – Nạn khai thác cát trái phép trên sông Cái đoạn qua huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa bùng phát khiến nhiều nơi bị sạt lở, thay đổi dòng chảy, đe dọa đến cả TP Nha Trang.
UBND tỉnh Khánh Hòa từng giao việc khai thác cát trên sông Cái cho một doanh nghiệp nhưng không thể kiểm soát. Vì thế, tình trạng khai thác cát trái phép bùng phát.
Hoạt động bất kể ngày đêm
Theo phản ánh của người dân, tình trạng khai thác cát trái phép ở sông Cái đã diễn ra nhiều năm qua nhưng rộ lên thời gian gần đây, kéo dài trên 12 km qua các xã Diên Lâm, Diên Sơn, Diên Thọ, Diên Phước, Diên Đồng, Diên Lạc, Diên Phú, Diên An, thị trấn Diên Khánh. Bất kể ngày đêm, hàng chục ghe, thuyền hút cát thường xuyên hoạt động.
“Họ thường bắt đầu khai thác từ 5 giờ đến tận 20 giờ. Những ngày có trăng, ghe, thuyền nổ máy ầm ĩ đến 1-2 giờ sáng mới chịu nghỉ. Khi có lực lượng chức năng tuần tra thì “cát tặc” tạm nghỉ nhưng chỉ được vài ngày sau đã tái diễn” – một người dân ở xã Diên Phú cho biết.
Chúng tôi có mặt tại thôn 1, xã Diên Phú một ngày giữa tháng 9-2015 và chứng kiến khoảng 10 chiếc ghe hút cát hoạt động công khai, liên tục. “Cát tặc” dùng máy hút công suất lớn, cắm vòi xuống sông, chỉ chưa đầy 1 giờ đã hút đầy ghe khoảng 3 m3. Trên bờ, hàng loạt xe ben, xe tải ngược xuôi chờ nhận cát.
Dọc Tỉnh lộ 8, tuyến đường Nha Trang – Đà Lạt, hàng chục bãi tập kết cát lậu hoạt động rầm rộ. Có điểm, chủ bãi còn trang bị cả xe múc, băng chuyền di động, cử người cảnh giới. Chưa kể, dọc sông Cái còn có nhiều điểm tập kết cát nhỏ, dùng xe bò để vận chuyển. Phần lớn cát khai thác trái phép được bơm từ ghe, thuyền lên xe tải đậu trên bờ. Với giá cát 350.000-420.000 đồng/xe 2,5m3, mỗi ghe có thể thu 2-4 triệu đồng/ngày. Lợi nhuận này khiến nạn khai thác cát trái phép ngày càng hoành hành.
Ông Nguyễn Văn Cóc, một người dân ở xã Diên Phú, cho biết: “Gia đình tôi có mảnh vườn trồng cây cảnh ven sông nhưng đã bị sạt lở do người ta đổ xô hút cát. Bờ sông hiện đã ăn sâu vào tận móng nhà. Gia đình tôi mất đứt gần 700 m2 đất vườn. Quanh nhà tôi, hàng chục gia đình cũng bị sạt lở nặng. Trong khi đó, nhà nước phải bỏ hàng tỉ đồng để làm kè chống sạt lở”.
Theo ông Nguyễn Văn Tài – ngụ phố Phú Lộc Tây 2, thị trấn Diên Khánh, các ghe hút cát chỉ cách bờ 5-10 m nên rất dễ gây sạt lở. “Mùa mưa sắp đến, nếu cơ quan chức năng không có cách ngăn chặn “cát tặc” thì sớm muộn gì người dân chúng tôi cũng sẽ mất nhà” – ông lo lắng.
Tại xã Diên Thọ, nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở sâu hoắm. Theo UBND xã này, diện tích đất nông nghiệp bị sạt lở do khai thác cát trong những năm qua ước tính hơn 6.000 m2.
Thu hồi giấy phép khai thác của doanh nghiệp
Với nhu cầu cát xây dựng rất lớn, để bảo vệ tài nguyên và bảo đảm thu ngân sách, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cấp giấy phép cho Công ty TNHH Trần Bình khai thác cát ở sông Cái đoạn qua huyện Diên Khánh. Thời hạn khai thác là 20 năm rưỡi, công suất 150.000 m3/năm với trữ lượng gần 3 triệu m3 cát nguyên khối trên diện tích 1,3 triệu m2.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện ngay trong khu vực mà Công ty Trần Bình quản lý vẫn tồn tại tình trạng người dân khai thác cát trái phép. Trong văn bản báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa, Sở TN-MT cho rằng doanh nghiệp này không đủ năng lực để quản lý toàn bộ khu vực đã được cấp phép. Sau đó, Công ty Trần Bình đã bị UBND tỉnh Khánh Hòa thu hồi giấy phép khai thác cát, yêu cầu đến cuối tháng 9-2015 phải thu hết các sà lan hút cát về.
Theo UBND huyện Diên Khánh, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Cái đã xâm hại nguồn tài nguyên khoáng sản của địa phương, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ven bờ. Đáng lo hơn, nhiều đoạn sông bị thay đổi dòng chảy, bờ sạt lở, đe dọa đến cả TP Nha Trang. Do đó, cần kiên quyết xử lý các trường hợp khai thác cát trái phép.
Ông Đinh Văn Thiệu, Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh, cho biết đã giao UBND các xã, thị trấn bố trí lực lượng theo dõi, kiểm tra, canh gác những nơi khai thác, bãi tập kết, vận chuyển cát trái phép. UBND các xã, thị trấn phải kiểm tra, yêu cầu cá nhân, tổ chức không được để bất cứ phương tiện, vật tư nào trên đất thuộc quyền quản lý của nhà nước và lập biên bản xử lý theo quy định. Đến cuối tháng 9-2015, UBND các xã, thị trấn ở huyện Diên Khánh phải xử lý dứt điểm, không để các phương tiện khai thác cát của Công ty Trần Bình và các công ty có hợp đồng ủy quyền của doanh nghiệp này neo đậu trên bến, bãi.
Phạt chưa đủ răn đe
Bà Trương Thị Yến Thơ, cán bộ địa chính xã Diên Phú, cho biết “cát tặc” thường cử người cảnh giới, khi bị lực lượng chức năng phát hiện thì sẵn sàng đánh chìm ghe, chạy từ địa phương này qua địa phương khác để lẩn trốn. “Cứ mỗi tuần 2 lần, xã cử lực lượng kiểm tra các bãi khai thác cát trái phép trên sông Cái nhưng chỉ phát hiện được 2 vụ. Trong đó, 1 vụ tịch thu cát tại bãi nhưng không có chủ và 1 vụ bắt 1 xe cát, phạt hành chính 300.000 đồng. Mức phạt này quá nhẹ nên chưa đủ sức răn đe” – bà Thơ nhận xét. |