Trả lại màu xanh cho Tây Nguyên

ThienNhien.Net – Trả lại màu xanh rừng cho Tây Nguyên đang là đòi hỏi, là nhiệm vụ cấp bách, vì sự phát triển bền vững cho toàn vùng và cả nước.

Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, việc chuyển đổi rừng để phục vụ các dự án là cần thiết. Vấn đề là thực hiện như thế nào để Tây Nguyên phát triển mà vẫn giữ được màu xanh của rừng. Và, hơn hết là cần đẩy mạnh lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đem lại lợi ích kinh tế và môi trường bền vững. Thực tế tại Tây Nguyên, đã có những cách làm mới, những mô hình phát triển lâm nghiệp hiệu quả. Tuy vậy, lâm nghiệp Tây Nguyên sẽ tiếp tục mất mát nếu vẫn làm theo kiểu “giật gấu vá vai”, lấy của rừng mà không đầu tư tương xứng.

Mùa mưa này, các đơn vị lâm nghiệp ở tỉnh Kon Tum đã chuẩn bị gần 2 triệu cây giống, cấp tập thực hiện kế hoạch trồng 850 ha rừng thay thế. Ông Nguyễn Kim Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum, cho biết, sau khi tính toán định mức trồng rừng trung bình 44 triệu đồng 1 ha để các chủ đầu tư nộp tiền vào Quỹ bảo vệ phát triển rừng, tỉnh đã nhanh chóng triển khai cho các đơn vị trồng rừng. Tỉnh cũng sẵn sàng ứng trước một phần kinh phí để trồng rừng kịp thời vụ. Với cách làm này, Kon Tum phấn đấu năm 2016 sẽ hoàn thành việc trồng rừng thay thế.

rừng trồng
rừng trồng

Ông Nguyễn Kim Phương cho biết: “Tốt nhất giao cho các doanh nghiệp lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ trồng vì họ có chuyên môn và họ đứng chân tại địa bàn quản lý. Khi các chủ dự án chậm nộp tiền là Sở Nông nghiệp đề nghị với UBND tỉnh cho tạm ứng ngân sách trước để các đơn vị thực hiện, vì trồng rừng nó mang tính thời vụ. Cứ trồng rừng đi, và quỹ anh vẫn tiếp tục thu; trong dự án có phân kỳ đầu tư, thì sẽ bổ sung thêm; cách làm như vậy nó sẽ gọn hơn”.

Tương tự Kon Tum, các tỉnh Tây Nguyên cũng đã đặt ra định mức trung bình để các chủ đầu tư nộp tiền thay vì tự trồng rừng. Cùng với sự quyết liệt của chính quyền các địa phương, việc trồng rừng thay thế đã có những tín hiệu lạc quan hơn. Đó là những đơn vị nhanh chóng nộp tiền trồng rừng thay thế. Và có những doanh nghiệp trồng rừng chủ động nguồn khai thác gỗ sau khi nhà nước đóng cửa rừng tự nhiên. Điển hình như Công ty cổ phần tập đoàn kỹ nghệ Trường Thành, hiện diện tích rừng trồng đã vượt hơn 14 nghìn ha, trải dài ở các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông và Phú Yên. Mỗi năm công ty có hơn 1 nghìn ha rừng trồng đến tuổi khai thác, cung cấp đủ nguồn gỗ để chế biến xuất khẩu.

Theo ông Võ Trường Thành, Tổng giám đốc Công ty, việc trồng rừng muốn thành công không thể tách rời người dân địa phương: “Chúng tôi dùng nhân lực của hộ gia đình đó và họ huy động thêm lao động từ các hộ lân cận để thực hiện các công đoạn trồng rừng, chúng tôi rót tiền xuống theo từng công đoạn. Việc quản lý chăm sóc rừng chúng tôi cũng giao lại cho họ, khi tới kỳ thu hoạch sẽ phân chia lợi ích dựa vào thỏa thuận mà chúng tôi đã đăng ký tại chính quyền địa phương. Như vậy chi phí trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng là khoảng 25 triệu đồng 1ha, nhưng mà chi phí để tiếp cận đất đai rất khó tính là bao nhiêu và không thấp hơn con số này. Việc tiếp cận đất đai qua các thủ tục để đi tới trồng rừng được thì doanh nghiệp thực hiện nhanh nhất là 1 năm, còn thông thường là phải mất 2 năm hoặc hơn nữa”.

Như vậy, với doanh nghiệp, điều vướng nhất và khó tính chi phí nhất trong việc trồng rừng lại đến từ chính sách quản lý, thủ tục hành chính khi tiếp cận đất đai. Còn với các nhà quản lý, bài toán khó lại ở vấn đề nguồn vốn phát triển rừng. Tính toán định mức trồng rừng trên 70 triệu đồng 1 ha, ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục lâm nghiệp Đắc Lắc, cho rằng, rừng phải trồng hỗn giao mới thực sự hiệu quả bền vững: “Nếu chúng ta chỉ trồng cây dài ngày thì vốn thu hồi rất lâu, rất là khó cho người trồng rừng, do vậy làm như thế này mình vừa có cây ngắn ngày để kinh doanh, vừa có cây gỗ lớn. Ví dụ như ở Công ty lâm nghiệp Ea Wy trồng hỗn giao cây gỗ tếch, hay Công ty lâm nghiệp Krông Bông trồng hỗn giao cây bản địa là gỗ dầu với cây keo lai; đảm bảo việc kinh doanh tái tạo rừng liên tục, làm sao trên diện tích đó không bao giờ mất đi môi trường rừng khi đến chu kỳ khai thác. Chúng ta đầu tư đúng định mức thì cây sinh trưởng phát triển tốt sẽ chắc chắn đảm bảo có lãi, chứ đầu tư nửa vời thì không hy vọng”.

Đúng là phải được đầu tư đúng mức, cây mới phát triển thành rừng, đem lại giá trị sinh thái và hiệu quả kinh tế. Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục lâm nghiệp cho rằng: “Đầu tiên phải nói đến vấn đề tạo được thị trường lớn để có thể sản xuất tiêu thụ hàng hóa từ lâm nghiệp đem lại giá trị tương đương với những ngành nghề khác đó mới là chính sách tạo động lực. Bởi vì do đặc thù sản xuất dài, điều kiện khó khăn, thời hạn thu hồi vốn chậm nên các công ty lâm nghiệp hiện nay không có khả năng tiếp cận với những nguồn tín dụng. Do vậy chúng ta phải có nguồn tín dụng riêng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh về lâm nghiệp, ví dụ như trồng rừng, chế biến lâm sản…, một cơ chế chính sách, một gói tín dụng riêng đặc thù với nó”.

Theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Tây Nguyên còn hơn 1 triệu ha đất trống. Nguồn lực rất lớn này muốn phát huy được cần phải có cơ chế chính sách rõ ràng hơn. Thời gian qua, nhiều đơn vị đã phạm luật khi đem đất nhà nước để liên kết thực hiện dự án nông lâm nghiệp. Chính sách đất đai phù hợp là điều kiện để vùng này thu hút tập trung các nguồn lực cho phát triển lâm nghiệp hàng hóa.

“Nói gì thì nói làm ăn kinh tế không thể cứ rút tiền ngân sách ra mãi được mà phải tạo sân chơi, tạo cơ chế cho người dân và doanh nghiệp cùng làm ăn. Muốn doanh nghiệp vào phải có cơ chế về đất, ít nhất phải có một phần đất sạch và đất liên kết với nông dân, đây là vai trò của chính quyền địa phương gắn với việc quy hoạch. Đối với Tây Nguyên đất đai thế nào, có cho thuê hay không, câu chuyện này là phải trình Trung ương cho chỉ đạo. Thực sự vấn đề chính của lâm nghiệp vẫn là đất”. Ông Hà Công Tuấn,nói.

Thực tế đã có những cách làm mới, những mô hình phát triển lâm nghiệp hiệu quả cả về lợi ích kinh tế và môi trường, song lâm nghiệp Tây Nguyên sẽ tiếp tục mất mát nếu vẫn làm theo kiểu “giật gấu vá vai”. Mất rừng ở Tây Nguyên có nhiều nguyên nhân, nhưng chỉ riêng phục vụ các dự án phát triển kinh tế xã hội trong những năm qua đã “ăn” hàng trăm ngàn ha rừng. Trách nhiệm trong việc này trước hết thuộc về từng địa phương. Các dự án có sử dụng đất rừng phải được giám sát chặt chẽ, không để tái diễn tình trạng lấy của rừng mà không đầu tư tương xứng. Phát triển rừng đang là yêu cầu cấp thiết đối với Tây Nguyên và cả nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tại Hội nghị về công tác bảo vệ phát triển rừng tổ chức tại Đắc Lắc đầu năm nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Chúng ta là một trong những quốc gia bị tác động lớn bởi biến đổi khí hậu, tất cả các thông số đều theo hướng cực đoan cả: hạn thì hạn hơn, mà mưa lũ thì cũng nặng nề hơn; và rừng rõ ràng là một trong những giải pháp để chúng ta hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu đấy. Vai trò của rừng đối với việc phát triển bền vững ngày càng khẳng định hơn, đòi hỏi chúng ta phải quan tâm và đầu tư cho nó nhiều hơn, và phải nghiên cứu ra nhiều mô hình đảm bảo cho nó phát triển bền vững. Mặc dù còn vô vàn khó khăn, nhưng chúng ta đều phải hiểu là khi mà không ưu tiên cho mục tiêu phát triển bền vững đấy thì thực tế chúng ta đang phải trả giá”.

“Ăn của rừng – rưng rưng nước mắt”. Cùng với việc mất rừng là hạn hán, lũ lụt liên tiếp hoành hành, ngày càng khốc liệt. Trả lại màu xanh rừng cho Tây Nguyên, vì thế đang là đòi hỏi, là nhiệm vụ cấp bách, vì sự phát triển bền vững cho toàn vùng và cả nước.

Nguồn: