Cấm đánh bắt xa bờ – giải pháp cho cuộc khủng hoảng thủy sản toàn cầu?

ThienNhien.Net – Trong bối cảnh nhu cầu hải sản của con người ngày càng tăng dẫn đến suy giảm trầm trọng số lượng nhiều loài cá do đánh bắt quá mức và nhiều mối nguy khác, các nhà khoa học đã đưa ra một đề xuất táo bạo: đóng cửa và biến các khu vực đánh bắt xa bờ thành “ngân hàng dự trữ cá toàn cầu.”

Điều này được chứng minh rằng không hề ảnh hưởng đến lợi nhuận ngành thủy sản mà thậm chí còn đảm bảo phân phối đồng đều lợi nhuận ngành.

Mẻ cá ngừ vằn do hai chiếc thuyền Philippines thu hoạch ngoài khơi năm 2012, sử dụng phương pháp lưới kéo đáy phổ thông để vây bắt cá và cả những sinh vật biển khác (Ảnh: Alex Hofford/Green Peace)
Mẻ cá ngừ vằn do hai chiếc thuyền Philippines thu hoạch ngoài khơi năm 2012, sử dụng phương pháp lưới kéo đáy phổ thông để vây bắt cá và cả những sinh vật biển khác (Ảnh: Alex Hofford/Green Peace)

Vùng hải phận trong khoảng 322 km tính từ bờ biển được quy ước là “Vùng Đặc Quyền Kinh Tế” (EEZs) của mỗi quốc gia. Vùng biển nằm ngoài khu vực này thuộc “sở hữu” toàn cầu. Khi đã tận diệt số lượng lớn cá gần bờ, nhiều quốc gia bắt đầu chuyển sang đánh bắt xa bờ, khiến nguồn lợi thủy sản bị khai thác cạn kiệt. Thậm chí, đánh bắt nhầm còn có thể tàn phá môi trường sinh thái, và gây ra nhiều vấn nạn khác.

Theo số liệu gần đây, lượng cá đánh bắt xa bờ hàng năm mang lại 16 tỉ USD – tương đương 15% giá trị tổng sản lượng đánh bắt hàng năm là 109 tỉ USD.

Được thành lập bởi các quốc gia cùng đánh bắt trong một khu vực, Các tổ chức quản lý nghề cá khu vực (RFMOs) đã nỗ lực bảo vệ hệ sinh thái một số vùng biển bằng cách tiến hành đóng cửa nhiều khu vực đánh bắt cá. Trong khi đó, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển – quy định quốc tế duy nhất kiểm soát hoạt động đánh bắt cá ngoài khơi lại cho phép các quốc gia và vùng lãnh thổ có thể tự do đánh bắt cá ngoài khơi và chỉ đưa ra những nguyên tắc chung chung về bảo tồn và quản lí.

Cộng đồng thế giới cũng đã cố gắng bảo vệ nguồn lợi chung bằng cách khuyến khích thành lập các RFMOs, nhưng theo số liệu phân tích thì nhiều RFMOs không đạt được thành công như mong đợi. Hai phần ba vùng biển tuy thuộc quản lý của RFMOs vẫn bị khai thác cạn kiệt và đánh bắt quá mức. Vì vậy vẫn cần phải có một giải pháp khác.

Trong bối cảnh đó, một nghiên cứu năm 2014 đã mạnh dạn đưa ra ý tưởng đóng cửa hoàn toàn các khu vực đánh bắt ngoài khơi và khẳng định giải pháp này có thể giúp tăng lợi nhuận đánh bắt, đồng thời cải thiện trữ lượng thủy sản. Để củng cố sự tin cậy và tính khả thi của ý tưởng này, các nhà ngư học quốc tế đã tiến hành nghiên cứu số liệu đánh bắt cá toàn cầu từ năm 2000 đến năm 2010 và số liệu về các bến cảng giai đoạn 1950-2010 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO).

Kết quả phân tích cho thấy chỉ có 19 trong tổng số 1406 loài chỉ có thể đánh bắt được ngoài khơi xa, 802 loài chỉ đánh bắt được ở vùng đặc quyền kinh tế và 585 loài sống giao vùng (có thể đánh bắt  được ở cả ngoài khơi lẫn EEZs). Như vậy, đánh bắt ngoài khơi xa chỉ đóng góp ít hơn 0,01% sản lượng và giá trị thủy sản.

Dữ liệu cũng cho thấy việc đóng cửa các khu vực đánh bắt xa bờ sẽ không gây tổn thất đối với sản lượng đánh bắt toàn cầu. Khi quần thể cá ở vùng biển khơi gia tăng số lượng, cá sẽ tràn về EEZs giúp tăng khoảng 18% sản lượng và 10-70% sinh khối cá sống giao vùng, theo kết quả dự báo từ các mô hình tính toán.

Tàu đánh bắt cá Trung Quốc ngoài khơi Nhật Bản (Ảnh: Lực lượng Cảnh sát Hoa Kỳ)
Tàu đánh bắt cá Trung Quốc ngoài khơi Nhật Bản (Ảnh: Lực lượng Cảnh sát Hoa Kỳ)

Nghiên cứu cũng kết luận rằng toàn cầu nói chung sẽ đạt được những đạt được những lợi ích kinh tế khi   chấm dứt đánh bắt ngoài khơi. Cụ thể, theo tính toán thì 120 quốc gia có đường bờ biển, bao gồm cả các quốc gia đang phát triển, sẽ hưởng lợi, 65 quốc gia chịu thiệt hại, và 7 quốc gia không bị ảnh hưởng. Hơn thế nữa, lợi nhuận của việc đánh bắt cá sẽ được phân bổ đồng đều hơn, trong khi hiện tại chỉ có 10 quốc gia chia sẻ phần lớn lợi nhuận kinh tế từ sản lượng đánh bắt xa bờ.

Ngoài ra,  những chiếc thuyền đánh cá thường phải đi xa, tốn nhiều thời gian hơn để tìm kiếm nguồn cá ở ngoài khơi, do đó phải chịu chi phí cao hơn trên mỗi đơn vị cá đánh bắt so với khai thác gần bờ. Do đó, chấm dứt đánh bắt xa bờ cũng đồng thời giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và chi phí đánh bắt cá toàn cầu.

Đây được coi là một ý tưởng thú vị đang được một số nhà khoa học và nhà kinh tế chú ý đến. Trước những thách thức từ khai thác tận diệt, biến đổi khí hậu và ô nhiễm mà đại dương đang phải đối mặt, những góc nhìn cởi mở hơn để đón nhận những giải pháp mới là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, mọi hình thức chấm dứt đánh bắt ngoài khơi đều phải phù hợp với các chính sách ngư nghiệp bền vững, theo đó vùng đánh bắt phải được quy định rõ ràng, số lượng đánh bắt được đưa ra một cách khoa học, và công cụ đánh bắt được quản lí sao cho không làm tổn hại môi trường sống và tính đa dạng sinh học của cá. Trước khi ban hành luật cấm đánh bắt ngoài khơi, những dự đoán lí thuyết này cũng cần được xác minh bằng các số liệu thực tế.

Với công nghệ vệ tinh ngày càng phát triển giúp quản lí tầu biển ngoài khơi và nguồn trợ cấp gần 2 tỷ USD toàn cầu hiện nay có thể chuyển từ mục đích hỗ trợ sang giám sát các hoạt động ngoài khơi, giải pháp cấm đánh bắt cá xa bờ có cơ hội đi vào thực thi hơn bao giờ hết. Tuy vậy, vẫn còn một câu hỏi “muôn thuở”: làm cách nào để việc cấm đánh bắt ngoài khơi thực sự được thực thi khi biển khơi quá xa xôi rộng lớn và chưa có một đơn vị nào có thẩm quyền quản lí biển chính thức. Việc đổi mới cơ bản hệ thống quản trị đại dương liệu có khả thi, hay lại khiến gia tăng hoạt động của con người trên các vùng biển?

Nguồn:
Thu Thủy (Theo mongabay.com)/moitruongvadoisong.vn