ThienNhien.Net – Thời gian qua, cùng với các địa phương khác, Hà Nội đã và đang phải đối mặt với những nguy cơ thiên tai bất thường do biến đổi khí hậu gây ra như bão, ngập úng, sạt lở đất, hạn hán, cháy rừng.
Trong số 21 hình thái thiên tai, Hà Nội thường xuyên chịu tác động bởi bão, mưa úng, lũ rừng ngang, dông lốc, sạt lở đất, hạn hán, cháy rừng, sự thay đổi dòng chảy các sông… Thực tế, thời tiết cực đoan đã xuất hiện và tác động tiêu cực đến kinh tế – xã hội của Hà Nội. Trận lụt lịch sử năm 2008 đã gây úng ngập gần như toàn bộ khu vực đồng bằng của Hà Nội và gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản khi đã làm 22 người chết, 3 người bị thương; gần 102.000 hộ dân bị ngập; 15.230 hộ dân phải di dời; hàng trăm nghìn héc ta cây trồng, diện tích thủy sản bị mất trắng; 93 sự cố về công trình đê kè, hồ đập… Tổng thiệt hại trên toàn thành phố là hơn 3.100 tỷ đồng. Sự thay đổi thời tiết và biến đổi khí hậu (BĐKH) trên toàn cầu còn khiến mực nước trên các sông thường xuyên có sự chênh lệch rất lớn giữa hai mùa (mùa lũ và mùa kiệt). Điển hình như mùa kiệt các năm 2010-2013, mực nước Sông Hồng ở Hà Nội xuống thấp nhất trong lịch sử 100 năm trở lại đây. Nhiều vị trí chỉ còn 0,1m – 0,2m đã gây ra nạn thiếu nước trầm trọng cho sản xuất nông nghiệp không chỉ của Hà Nội mà cả các tỉnh, thành phía Bắc. Môi trường sinh thái các lưu vực sông bị thay đổi, Sông Đáy, Sông Nhuệ trở thành “dòng sông chết”…
Theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai thành phố Đỗ Đức Thịnh, sự tác động rõ rệt nhất của BĐKH đối với Hà Nội trong năm 2015 là hiện tượng El Nino liên tiếp gây ra thời tiết cực đoan. Điển hình như trận dông lốc ngày 13-6 làm 5 người thương vong, khoảng 1.300 cây xanh bị đổ, gần 200 ngôi nhà bị tốc mái, thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đồng. Trong tháng 7-8 vừa qua, nhiệt độ ở Hà Nội tăng cao bất thường, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người dân.
Trong khi đó, lượng mưa trung bình chỉ bằng một nửa so với trung bình nhiều năm, khiến hệ thống hồ chứa nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân Hà Nội đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt trầm trọng. Ông Nguyễn Vĩnh Liên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) Hà Nội cho biết, trong mấy chục năm trở lại đây, lần đầu tiên ngành Nông nghiệp của Hà Nội xảy ra hạn hán giữa mùa mưa. Đến tháng 7, các doanh nghiệp thủy lợi vẫn phải lắp đặt trạm bơm dã chiến chống hạn cho vụ lúa mùa, trong khi những năm trước công việc này đã kết thúc từ cuối tháng 5.
Để ứng phó với sự tác động của BĐKH, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, hằng năm thành phố đều tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về BĐKH để phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Đồng thời, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT tới từng sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã; chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất và trang thiết bị sẵn sàng thực hiện “bốn tại chỗ” ứng phó khi có mưa bão, úng ngập xảy ra.
Khi xây dựng phương án và triển khai kế hoạch phòng, chống úng ngập cho khu vực nội thành và ngoại thành, thành phố lấy tình huống từ trận mưa lớn gây úng ngập lịch sử cuối tháng 10-2008 để xây dựng phương án, kịch bản phòng, chống. Bên cạnh đó, thành phố cũng tăng cường các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng bằng các thông tin, kiến thức về BĐKH; phổ biến rộng rãi cho nhân dân hiểu đúng tính chất nghiêm trọng của thiên tai để dần thích nghi, điều chỉnh, “sống chung” với BĐKH.