ThienNhien.Net – Tháng 8 vừa qua, quốc vương Thụy Điển Carl Gustav đã trao tặng giải thưởng Nguồn Nước Stockholm danh giá cho sáng kiến tích trữ nước mưa của Rajendra Singh.
Là cộng sự lâu năm của tổ chức Sông ngòi quốc tế, Singh đã cống hiến 30 năm cho sự nghiệp phục hồi tri thức truyền thống và xây dựng những hồ chứa nước mưa nhỏ tại quê nhà Rajasthan, phía Bắc Ấn Độ. Nhờ những công trình này, 5 dòng sông tại Rajasthani đã được khôi phục và hơn 1000 làng mạc nay đã có nguồn nước sạch ổn định.
Sau khi nhận giải thưởng, Singh dự định khởi động một chuyến đi trong vòng 5 năm qua 5 châu lục mang tên World Water Peace Walks (Chuyến đi Vì Hòa bình Nguồn nước Thế giới). Trong chuyến đi này, ông sẽ đến thăm những nơi có sáng kiến bản địa nhằm giải quyết các vấn đề về nước, sau đó xem xét, tìm kiếm khả năng mở rộng những mô hình này tại nhiều khu vực khác trên thế giới, những nơi đang phải chịu áp lực ngày càng nặng nề từ biến đổi khí hậu.
Cuộc cách mạng thầm lặng
Khi còn là một bác sĩ y học cổ truyền vào năm 1985, Singh đã quyết định bán hết tài sản và đến những khu vực nghèo khó nhất của Rajasthan khám chữa bệnh cùng với một số cộng sự. Ông sớm nhận ra vấn đề chính của những cư dân nơi đây chính là thiếu hụt nguồn nước sau nhiều thập kỷ khai thác rừng và khoáng sản. Nông dân địa phương từ lâu đã bỏ quên các phương pháp truyền thống giúp bảo toàn nguồn nước và chuyển sang sử dụng giếng khoan hiện đại khiến mực nước ngầm ngày càng suy giảm.
Thông qua tổ chức Tarun Bharat Sangh của mình, Rajenda Singh đã huy động thanh niên địa phương dựng lại các bể chứa nước truyền thống (tiếng địa phương là johad) và khuyến khích dân làng đắp các hồ chứa nước nhỏ bằng đất. Vào mùa mưa, johad và hồ chứa có thể giữ nước, giúp khôi phục mực nước ngầm và hồi sinh giếng cạn. Nhờ xây dựng hơn 375 hồ chứa nước nhỏ, dòng sông Arvan đã được khôi phục lại dòng chảy sau 60 năm khô hạn. Cùng lúc đó, phong trào do Rajenda Singh khởi xướng đã dựng được 8600 johad, hồi sinh 5 con sông ở Rajastan và đem lại sự sống hàng nghìn ngôi làng.
Singh đã mang những kinh nghiệm từ những chuyến đi và tri thức về tài nguyên nước của mình đến với những người dân bản địa trên khắp đất nước Ấn Độ. Bên cạnh đó, ông cũng tích cực hỗ trợ cuộc đấu tranh phản đối những công trình đập hủy hoại môi trường như dự án thủy điện Loharinag Pala. Những kinh nghiệm quý báu cũng được ông đưa vào quy trình của Ủy hội thế giới về Đập (WCD).
Trong vài năm đầu, Rajenda và các cộng sự liên tiếp bị tấn công và khống chế. Nhưng cùng lúc đó, tên tuổi của ông đã được khắp Ấn Độ và toàn thế giới biết đến.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, biện pháp quản lý nước phi tập trung thậm chí còn trở nên ngày càng quan trọng để đối mặt với hạn hán và lũ lụt ngày càng dày đặc. Thế nhưng, trong khi sáng kiến trữ nước mưa tại Ấn Độ được đánh giá rất cao, phương pháp tiếp cận từ dưới lên này lại bị những định chế “chính thống” làm ngơ hoặc bác bỏ. Từ năm 2003, Ngân hàng Thế giới đã khẳng định hầu hết các biện pháp chi phí thấp và đơn giản nhằm gia tăng nguồn nước đã được tận dụng hết. Những quốc gia như Ấn Độ cần quay lại với giải pháp xây dựng các con đập lớn. Rajenda Singh đã chứng minh điều ngược lại bằng những thành quả của mình.
Trong lời tuyên bố trao giải thưởng Nước Stockholm, ngài Torgny Holmgren, giám đốc điều hành Viện Tài nguyên Nước quốc tế Stockholm nhận định: “Singh là nguồn hy vọng, mang lại cuộc sống thứ hai cho rất nhiều làng mạc. Chúng ta cần học tập và hành động theo con tim mình để bảo vệ nguồn tài nguyên nước bền vững.”