ThienNhien.Net – Kể từ năm 2000, các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia đã và đang cho xây dựng các nhà máy điện than với tốc độ chóng mặt. Sự bùng nổ của nhiên liệu than đá được cho là câu chuyện biến đổi khí hậu nóng bỏng nhất hiện nay.
Một mặt, sự bùng nổ này đã giúp nhiều quốc gia thoát khỏi tình cảnh đói nghèo, nhưng cũng đồng thời làm tăng nhanh chóng lượng phát thải CO2 toàn cầu. Và nếu than tiếp tục được lựa chọn làm nguồn năng lượng chính của thế giới, sẽ chẳng còn nhiều hi vọng có thể tránh được xu hướng nóng lên toàn cầu đang diễn ra. Vậy câu hỏi đặt ra là: sự bùng nổ nhiệt điện than toàn cầu này sẽ còn tiếp diễn trong bao lâu?
Báo cáo tháng 3/2015 của hai nhóm môi trường CoalSwarm và Sierra Club đã phần nào giúp trả lời cho câu hỏi trên. Các tác giả đã tổng hợp một cách chi tiết tất cả các nhà máy nhiệt điện than đốt đã được đề xuất, cấp phép, hoặc đang được xây dựng trên khắp thế giới.
Theo đó, có tổng cộng 2.177 nhà máy nhiệt điện đốt than công suất lớn được lên kế hoạch. Mặc dù một vài trong số đó có thể không được hoàn thành do gặp phải sự phản đối từ người dân hoặc các xu hướng kinh tế khác, song chỉ cần một phần ba số này được xây dựng đã có thể đẩy trái đất vượt qua ngưỡng tăng 2oC.
Đã quá đủ nhà máy nhiệt điện than
Trong số 2.177 kế hoạch xây dựng nhà máy nhiệt điện than trên thế giới có 557 nhà máy đang được xây dựng và số còn lại đang trong giai đoạn lập kế hoạch.
Chỉ cần xây dựng đến 1/3 con số trên, thế giới sẽ đạt tới hạn mức phát thải carbon cho phép ngăn trái đất chỉ nóng thêm ở mức dưới 2°C vốn đã được đồng thuận trong các cuộc đàm phán khí hậu quốc tế.
Từ năm 2005 đến năm 2013, thế giới đã sản xuất thêm khoảng 626 GW từ nhiên liệu than đốt. Trong tương lai, các nhà máy đang được xây dựng sẽ cung cấp thêm 276 GW và 1.000 GW từ các dự án đang trong giai đoạn quy hoạch. Các dự án này phần lớn nằm ở Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia. Một số khác nằm trên lãnh thổ nước Mỹ (mặc dù tại đây than đá đang gặp bất lợi do cạnh tranh từ khí tự nhiên giá rẻ và luật ô nhiễm không khí EPA) và Tây Âu.
Các kế hoạch xây dựng nhà máy nhiệt điện than đang bị trì hoãn
Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà máy đã lên kế hoạch sẽ được xây dựng trên thực tế. Các tác giả Christine Shearer, Nicole Ghio, Lauri Myllyvirta và Ted Nace chỉ ra rằng nhiều kế hoạch xây dựng đã bị loại bỏ trong những năm gần đây do sự phản đối từ địa phương, do sự cạnh tranh từ các nguồn năng lượng tái tạo hoặc do nhiều yếu tố kinh tế khác. Ví dụ, trong số 7 kế hoạch tại Nam Á, chỉ có 1 đề xuất thực sự được tiến hành.
Rào cản đối với năng lượng than đá ở Ấn Độ chính là nguồn lợi ít ỏi mà chúng mang lại cho các nhà đầu tư. Đó là kết quả của nhiều yếu tố, bao gồm: (1) sự phản đối của người dân có hiệu quả ngay từ trong giai đoạn lập kế hoạch, (2) tình trạng thiếu than sự hạn chế trong đáp ứng sản lượng của ngành Than Ấn Độ, (3) ngành Đường sắt Ấn Độ điều hành vận chuyển than kém hiệu quả, (4) vụ bê bối của Tập đoàn Coalgate, (5) biến động trên các thị trường than quốc tế, (6) cạnh tranh từ các nguồn năng lượng tái tạo và (7) truyền dẫn điện và mạng lưới phân phối điện vô cùng kém hiệu quả (tỷ lệ thất thoát điện năng thường xuyên vượt quá mức 25%).
Mặc dù vậy, trường hợp của Ấn Độ vẫn chưa phải hoàn toàn lý tưởng để có thể chuyển đổi từ than đá sang các nguồn năng lượng xanh chi phí thấp và bền vững khác. Suy cho cùng, nỗ lực xây dựng các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch của các quốc gia như Ấn Độ đều xuất phát từ nhu cầu năng lượng với chi phí thấp giúp thắp sáng, thay thế củi lửa, cung cấp năng lượng cho sản xuất công nghiệp nặng và giúp người dân thoát khỏi đói nghèo. Cách duy nhất để từ bỏ than là có sẵn các nguồn nhiên liệu thay thế sạch hơn mà vẫn có thể giúp thực hiện các mục tiêu trên. Đây mới chính là thách thức thực sự, bởi các loại năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời hay điện gió dù rất hữu ích, đặc biệt là đối với khu vực nông thôn không có mạng lưới điện, nhưng khó có thể giúp thực hiện được hết các mục tiêu trên.
Cần thêm những nỗ lực mạnh mẽ hơn
Theo báo cáo của CoalSwarm/Sierra, từ năm 2010, cứ 1 dự án nhiệt điện than được xây dựng mới thì cũng có 2 công trình bị loại bỏ. Đã đến lúc nhân loại cần lựa chọn: hoặc ủng hộ nguồn nhiên liệu sạch thay thế, hủy bỏ kế hoạch xây mới các nhà máy nhiệt điện than; đóng cửa và ngừng hoạt động các nhà máy hiện có, chấp nhận thiệt hại nhiều tỷ USD; hoặc tìm ra công nghệ thu hồi CO2 và lưu trữ dưới lòng đất; hoặc không có bất cứ hành động nào và chấp nhận bị “nấu chín”.