ThienNhien.Net – Sự phát triển nhanh chóng ở Đông Nam Á đang kéo theo nạn phá rừng, đe dọa nhiều loài sinh vật ở Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS). Buôn lậu gỗ và các loài động thực vật hoang dã cũng đang có chiều hướng gia tăng buộc chính phủ các nước trong khu vực phải có thêm các biện pháp ngăn chặn tình trạng này.
GMS mở rộng là một trong 5 khu vực hàng đầu thế giới về đa dạng sinh học. Các nhà khoa học đã phát hiện trên 2.200 loài mới ở khu vực này chỉ trong hai thập niên trở lại đây, từ những con sóc bay khổng lồ cho đến các loài cá và cả những con nhện không mắt sống trong các hang động. Tính riêng thời gian từ năm 2012 đến năm 2013 cũng có hơn 360 loài mới được phát hiện và phân loại ở khu vực.
Nhiều nhà khoa học cho rằng trong những năm trở lại đây phát triển kinh tế, xây dựng thủy điện, thực thi pháp luật lỏng lẻo và buôn lậu lâm sản, động vật hoang dã đã gây nhiều thiệt hại cho đa dạng sinh học của khu vực.
Ông Thomas Gray, chuyên gia của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tại Campuchia, nhận định nếu nhìn theo một cách lạc quan nhất thì công tác bảo tồn trong khu vực cũng đạt được một chút thành quả, ví như việc bảo tồn hổ ở Thái Lan, nhưng nhìn một cách tổng thể thì thất bại vẫn nhiều hơn thành công.
“Chúng ta đạt được một số thành tựu nhỏ ở vài nơi. Tuy nhiên, chúng ta đang thất bại toàn cục, điều này buộc chính phủ các nước phải tham gia vào công cuộc bảo tồn thiên nhiên”.
Loài hổ và tê giác hoang dã đang dần biến mất ở Campuchia, Lào và Việt Nam, chỉ duy nhất ởThái Lan là số hổ tăng lên con số khoảng 230, nhờ những nỗ lực bảo tồn.
Diện tích rừng châu Á cũng giảm gần 1/3 trong vòng 40 năm qua. Theo tính toán của các nhà khoa học thì đến năm 2030, châu Á chỉ còn từ 10 đến 20% diện tích rừng. Và, nếu tình trạng buôn bán trái phép động thực vật hoang dã quý hiếm còn tiếp diễn thì khoảng 40% loài động, thực vật ở Đông Nam châu Á sẽ biến mất trong thế kỷ này.
Theo Quỹ Freeland, Cơ quan môi trường có trụ sở tại Hoa Kỳ, thị trường bất hợp pháp về gỗ, động vật, thủy sinh vật hoang dã ở Đông Nam Á trị giá ít nhất 120 triệu USD mỗi năm.
Ở Thái Lan,công tác bảo tồn có nhiều tín hiệu tích cực. Ông Anak Pattanavibool, Giám đốc Hội Bảo vệ Động vật hoang dã Thái Lan chia sẻ, việc kêu gọi sự tham gia của cộng đồng đem lại những hiệu quả nhất định. Nhiều người Thái đã nhận thức được tầm quan trọng và có ý thức bảo vệ rừng cũng như những loài động vật hoang dã. Người dân Thái Lan đã có những hành động phản đối, biểu tình để ngăn chặn nhữngd ự án phát triển lớn ảnh hưởng tới rừng.
Phá rừng cũng là mối đe dọa hàng đầu đối với đa dạng sinh học ở Campuchia. Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Forest Trends (có trụ sở tại Hoa Kỳ),trong năm 2013, chính phủ Campuchia đã cấp phép nhiều dự án chuyển nhượng đất đai, ảnh hưởng tới 14% diện tích rừng nước này.
“Chắc chắn Lào và Campuchia rất khó xử lý tình trạng mất rừng do nhu cầu về gỗ không có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt là Campuchia, rồi cả ở Việt Nam, Lào và Trung Quốc nữa.”- Ông Thomas nhận xét.
Tại Myanmar,các nhà bảo vệ môi trường cũng đang lo sợ về tác động của các đập thủy điện trên dòng chính sông Thanlwin ở miền Đông Bắc nước này sẽ ảnh hưởng tới đa dạng sinh học trong khu vực.
Việc xây dựng các đập thủy điện ở hạ lưu sông Mê Kông cũng đã dấy lên nhiều cuộc biểu tình của cộng đồng địa phương do lo sợ về tác động của những con đập với đa dạng sinh học và an ninh lương thực trong khu vực.