ThienNhien.Net – Ngày 17/9, Tổng cục Hải quan phối hợp với Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG) tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn bán, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã tại Việt Nam.”
Hội thảo hướng đến mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phối hợp và thực thi pháp luật trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống buôn bán động, thực vật hoang dã tại Việt Nam.
Nhận định về tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã, các chuyên gia dự hội thảo cho rằng hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã mang lại cho các đối tượng từ 70-213 tỷ USD/năm.
Các động, thực vật hoang dã bị buôn bán, vận chuyển trái phép chủ yếu là những loài thú, chim, bò sát, lưỡng cư, côn trùng, thủy sinh… Cụ thể, có khoảng 95% tê giác trên thế giới bị giết hại trong vòng 40 năm qua, 4.000 sừng tê giác bị xuất khẩu bất hợp pháp từ châu Phi trong bốn năm gần đây, 22.000 cá thể voi châu Phi bị giết để lấy ngà trong năm 2012.
Tại Việt Nam, hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã diễn ra trên cả đường bộ, đường biển và đường hàng không. Chỉ tính riêng trong tháng Tám, lực lượng Hải quan đã liên tiếp bắt giữ bốn vụ buôn bán, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã; trong đó, số tang vật thu giữ gồm gần 3.800kg ngà voi; hơn 4.000kg vẩy tê tê; 142kg sừng tê giác; 50 khúc, đoạn nghi là ngà voi, sừng tê giác…
Theo Tổng cục Hải quan, hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã từ nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian gần đây diễn biến phức tạp, đặc biệt các đối tương ngày càng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh hơn trước.
Tại hội thảo, ông Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết Việt Nam là một trong những tuyến đường buôn bán, vận chuyển động, thực vật hoang dã từ châu Phi và các nước ASEAN đến các nước tiêu thụ.
Tuy nhiên, các cơ quan hữu quan Việt Nam nói chung, các lực lượng thực thi thuộc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam nói riêng đang gặp những khó khăn không nhỏ trong việc công tác phòng, chống buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã.
Đơn cử, lực lượng phòng, chống buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức về kỹ năng nhận dạng các loài động, thực vật hoang dã, đặc biệt là những loài không có phân bố ở Việt Nam; rào cản ngôn ngữ, thu thập thông tin; quản lý mẫu vật tịch thu…
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, đánh giá cao sự nỗ lực của USAID GIG trong những hoạt động hỗ trợ ngành hải quan tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đối với công tác kiểm soát động, thực vật hoang dã.
Thông qua hội thảo lần này, ngành hải quan kỳ vọng các bộ, ngành chức năng của Việt Nam cùng với chuyên gia trong và ngoài nước sẽ cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn trong quá trình đấu tranh phòng, chống buôn bán, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã tại Việt Nam; đồng thời đề xuất những giải pháp khắc phục tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã ngày càng phổ biến trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh việc phối hợp giữa các tổ chức trong và ngoài nước trong công tác phòng, chống buôn bán, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã tại Việt Nam là rất quan trọng. Song song đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân không tiêu dùng các sản phẩm có nguồn gốc từ động, thực vật hoang dã là một trong những giải pháp luôn được ưu tiên hàng đầu trong công tác phòng, chống buôn bán, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã tại Việt Nam.