Tê giác Sumatra tuyệt chủng trong tự nhiên ở Malaysia và những nỗ lực bảo tồn

ThienNhien.Net – Tê giác hai sừng Sumatra (Dicerorhinus sumatrensis) đã tuyệt chủng trong tự nhiên ở Malaysia.

Kết luận đáng buồn này vừa được nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Sinh thái học vĩ mô, Tiến hóa và Khí hậu (Center for Macroecology, Evolution and Climate) thuộc trường Đại học Copenhagen công bố trên Tạp chí bảo tồn Oryx.

Các nhà khoa học cho biết đã không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự tồn tại của loài Sumatra trong tự nhiên ở Malaysia từ năm 2007 ngoài hai cá thể tê giác cái được đưa về trong các chương trình nuôi nhốt để nhân giống vào năm 2011 và 2014.

Tê giác Sumatra từng được tìm thấy ở nhiều nước thuộc khu vực Đông Nam Á, nhưng hiện nay quần thể loài này chỉ còn khoảng 100 cá thể sống trong các khu rừng ở Indonesia và 9 cá thể sống trong điều kiện nuôi nhốt ở Indonesisa, Malaysia và Hoa Kỳ. Trong đó, vườn thú Cincinnati Hoa Kỳ có một cá thể, 3 cá thể sống trong khu bảo tồn bang Sabbah ở Malaysia và 5 cá thể còn lại sống ở khu bảo tồn tê giác Sumatra của Indonesia.

Tê giác Sumatra tuyệt chủng ở Malaysia là tín hiệu ảm đạm cho công tác bảo tồn loài động vật quý hiếm này. Các nhà bảo tồn đang hy vọng có thể nhân giống tê giác Sumatra ở Sabbah bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Cá thể tê giác ở Vườn thú Cincinnati Hoa Kỳ cũng sẽ sớm được chuyển tới Indonesia để phối giống.

Tê giác mẹ Ratu và tê giác con bốn ngày tuổi Andatu tại Khu bảo tồn Tế giác Sumatra ở Indonesia (Ảnh: Rhino Foundation International)
Tê giác mẹ Ratu và tê giác con bốn ngày tuổi Andatu tại Khu bảo tồn Tế giác Sumatra ở Indonesia (Ảnh: Rhino Foundation International)

Năm 2009, Indonesis và Malaysia từng hợp tác nghiên cứu để phối giống hai phân loài tê giác Bornean và Sumatra bằng cách để hai loài này sống với nhau. Tuy nhiên,sáng kiến này đã vấp phải nhiều trở ngại khi các cá thể tê giác Bornean sống khá tách biệt các đối tác Sumatra của chúng.

Trọng tâm công tác bảo tồn được chuyển sang bảo vệ các cá thể tê giác còn lại trong tự nhiên.

Các chuyên gia đưa ra một số gợi ý để cải thiện tình hình loài tê giác theo thời gian như là tạo ra các “vùng quản lý” – khu vực bảo vệ nghiêm ngặt mà tê giác có thể di chuyển trong đó.

Thành viên nhóm nghiên cứu, ông Rasmus Gren Havmøller, thuộc Trung tâm Sinh thái học vĩ mô, Tiến hóa và Khí hậu, khẳng định việc tạo ra các “vùng quản lý” rất quan trọng cho sự sống còn của loài tê giác Sumatra. Tất cả tê giác Sumatran còn lại,bao gồm cả các cá thể đang được nuôi nhốt sẽ được đưa vào quản lý trong một chương trình duy nhất, xuyên biên giới nhằm tối đa hóa tỷ lệ sinh sản tổng thể. Như vậy, các cá thể tê giác Sumatra sẽ được xem như một quần thể sinh vật chia tách nhau bởi không gian và các thành viên có thể tương tác ở một mức độ nào đó.

Đồng tác giả nghiên cứu, ông Widodo Ramono, Giám đốc Quỹ Bảo tồn Tê giác Indonesiacho rằng chính phủ Indonesia cần có những nỗ lực nghiêm túc để tăng cường bảo tồn tê giác bằng cách thành lập các Khu bảo vệ nghiêm ngặt (Intensive Protection Zone), nghiên cứu kỹ môi trường sống hiện tại, các biện pháp quản lý sinh cảnh và các phương pháp gây nuôi sinh sản; đồng thời, huy động các nguồn lực quốc gia và hỗ trợ của chính quyền địa phương, các bên liên quan trong công tác bảo tồn tê giác.

Mặc dù cần những nỗ lực quốc gia và quốc tế trong dài hạn, nhưng việc phục hồi loài tê giác Sumatra là có thể thực hiện được.

Tiến sĩ Christy Williams, điều phối viên Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) châu Á và Chiến dịch hành động Bảo tồn voi và Tê giác, thành viên nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh các quốc gia khác cũng phải hợp tác với Indonesia để quản lý để bảo tồn loài động vật quý hiếm này.

“Những con hổ ở Ấn Độ đã thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng nhờ sự can thiệp trực tiếp của bà Indira Gandhi, khi đó là thủ tướng bằng việc ban hành lệnh cấm săn bắt và lập các khu bảo tồn hổ. Một sự can thiệp tương tự của Tổng thống Indonesia JokoWidodo cũng có thể đưa loài tê giác Sumatran thoát khỏi bờ vực tuyệt chủng.” – Tiến sĩ Williams khẳng định.