ThienNhien.Net – Từ những năm 1990, khi rừng nhiệt đới bị tàn phá nặng nề để đổi lấy gỗ, đất canh tác, khoáng sản, chất đốt hoặc nhường chỗ cho các công trình thuỷ điện, rất nhiều nỗ lực cùng hàng tỉ đô la đã được chi để giải quyết thảm kịch này. Mặc dù sau gần hơn một thập kỉ, tỉ lệ phá rừng vẫn còn ở mức cao, công cuộc bảo vệ rừng nhiệt đới đang mở ra nhiều triển vọng.
Việc kiểm soát nạn phá rừng trở nên thuận lợi hơn bao giờ hết nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin. Trên cơ sở đó, thế hệ lãnh đạo mới với nhận thức mới có thể đưa ra các chính sách mới nhằm ngăn chặn nạn phá rừng. Đồng thời, thế giới đã bắt đầu hiểu ra tầm quan trọng của một hệ sinh thái khoẻ mạnh và vai trò của cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ rừng.
Tỉ lệ mất rừng nhiệt đới bắt đầu giảm từ 11,3 triệu héc ta xuống còn 9,3 triệu héc ta/năm trong khoảng 2009 đến 2012, cao nhất tại Braxin và Indonesia, 2 quốc gia có ngành nông-công nghiệp phát triển mạnh mẽ. Những con số này chỉ ra một xu hướng có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc bảo vệ rừng: ngày nay rừng bị chặt hạ để sản xuất hàng hoá thương mại và tiêu dùng cho thị trường đô thị, thay vì phục vụ sinh kế của người dân nghèo. Nói cách khác, động cơ phá rừng đang thay đổi từ đói nghèo sang làm giàu.
Nếu như trước đây, nạn phá rừng được hạn chế bằng cách hướng dẫn thay đổi sinh kế cho người dân sống phụ thuộc vào rừng, nay nỗ lực này đòi hỏi chính phủ và các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp hạn chế thiệt hại cho môi trường mà vẫn cho phép canh tác. Đôi khi doanh nghiệp nhận được nhiều lợi ích trong quan hệ công chúng từ hoạt động marketing xanh và các chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, dưới dạng cải thiện chuỗi cung ứng và năng lực hoạt động.
Hầu hết các doanh nghiệp cần được tác động để trở nên nhạy cảm hơn với dư luận xã hội. Từ năm 2006, hàng chục công ty xuất nhập khẩu lớn trên thế giới về đậu nành, dầu cọ, gia súc, và bột gỗ đã đưa ra chính sách cam kết loại bỏ chặt phá rừng và các xung đột trong xã hội khỏi chuỗi cung ứng của họ. Mặc dù luôn có rủi ro gian lận, ngày càng nhiều công cụ giám sát được đưa ra để đảm bảo cho tính thực thi của các cam kết này.
Biện pháp tiên tiến nhất ngày càng được áp dụng nhiều là sử dụng hình ảnh từ vệ tinh, giúp các chính phủ giám sát việc tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn về môi trường. Dữ liệu từ vệ tinh cũng được đưa vào các ứng dụng phổ thông như dự án “Theo dõi Rừng Toàn cầu” của Viện Tài nguyên Thế Giới. Dữ liệu được tiếp nhận và tổng hợp trên bản đồ, thể hiện thực trạng rừng trên thế giới, bao gồm lịch sử khôi phục rừng, mất rừng, chuyển nhượng và cháy rừng. Với dữ liệu MODIS do NASA cung cấp hai tháng một lần, đây được coi là hệ thống giám sát rừng sát thực nhất. Trước đây, Braxin đã xây dựng một hệ thống tương tự khi nạn phá rừng tăng đột biến vào giữa những năm 2000, góp phần giảm 60% các vụ phá rừng. Mô hình này đang được nhân rộng trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, một cuộc cách mạng máy bay không người lái đang được mở ra nhằm phát hiện thêm các vụ phá rừng, khai thác gỗ trái phép, hoả hoạn và xâm phạm diện tích rừng mà vệ tinh bỏ sót. Phương pháp này hiện đang được thử nghiệm tại Công viên Quốc gia Chitwan, Nepal.
Dưới mặt đất, camera, thiết bị cảm biến, mạng lưới thiết bị di động cũng góp phần không nhỏ trong công cuộc bảo vệ rừng. Một hệ thống phát hiện nhanh tiếng súng, tiếng cưa và tiếng xe tải được phát triển bởi Tổ chức Kết nối Rừng nhiệt đới tại California, cho phép chính quyền địa phương hành động chỉ trong vài phút. Sự tiến bộ trong việc phân tích ADN cho phép cơ quan điều tra tìm ra nơi các sản phẩm gỗ được khai thác, từ đó dễ dàng xác minh tính hợp pháp.
Như vậy, với các công cụ hỗ trợ thực thi pháp luật tiến bộ như trên, việc thực hiện chỉ còn phụ thuộc vào quyết tâm của chính quyền.
Năm ngoái, hơn 20 quốc gia đã thông qua Tuyên bố New York về Rừng, cam kết giảm một nửa tình trạng phá rừng vào năm 2020 và loại bỏ hoàn toàn vào năm 2030. Trên thực tế, một số quốc gia đang từng bước thực hiện các biện pháp cụ thể để giải quyết nạn phá rừng, dẫn đầu là Braxin. Kể từ năm 2004, quốc gia có diện tích rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này đã cắt giảm tình trạng phá rừng hàng năm ở khu vực Amazon tới gần 80%. Trong khi đó, sản lượng nông nghiệp vẫn tăng mạnh đi ngược lại với giả thuyết phá rừng luôn đi đôi với tăng trưởng kinh tế. Việc thành lập các khu bảo tồn mới, thực thi luật môi trường và quản lý sở hữu tư nhân, tất cả đều góp phần giảm tỉ lệ phá rừng, giúp giảm thiểu 3.2 tỉ tấn khí thải CO2, tương đương với lượng khí thải từ toàn bộ xe ô tô trong 3 năm tại Mỹ.
Ngay cả ở Indonesia, quốc gia từng bị lên án mạnh mẽ bởi nạn tàn phá rừng, cũng đang bắt đầu có tín hiệu khả quan. Năm 2009, sau cam kết giảm lượng khí nhà kính bằng một dự án kéo dài tới năm 2020, tổng thống đương nhiệm Susilo Bambang Yudhoyonob đã dừng hoàn toàn việc cấp phép khai thác và trồng cây công nghiệp trên hơn 14 triệu héc ta rừng và đất ngập nước, đồng thời thúc đẩy cải cách bộ máy quản lý rừng. Ban đầu, những nỗ lực này bị phản đối quyết liệt bởi các bên hưởng lợi từ rừng. Tuy nhiên gần đây một loạt doanh nghiệp kinh doanh dầu cọ lớn tại Indonesia như Golden Agri-Resources, Cargill, và Wilmar, đã ký Cam kết KADIN sau khi chính phủ Indonesia kêu gọi áp dụng các chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng.
Một số nước nhỏ hơn cũng có những bước tiến không hề thua kém. Ví dụ điển hình là Costa Rica, quốc gia tiên phong thực hiện chi trả dịch vụ hệ sinh thái từ những năm 1990, hay Mexico bắt đầu trao rừng cho cộng đồng địa phương quản lý.
Những thay đổi không chỉ dừng ở cấp độ quốc gia, nhiều địa phương đã cam kết tối thiểu hóa chặt phá rừng cho đến năm 2020 trong chương trình sáng kiến trao đổi Các-bon theo vùng. Những cam kết này được thực thi bởi các hệ thống giấy phép, theo đó các nhà sản xuất địa phương cần tuân theo các tiêu chuẩn môi trường để đảm bảo hàng hóa sản xuất trong nước “an toàn” đối với khách hàng nước ngoài.
Vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ rừng ngày càng được công nhận. Hiện nay, tổng diện tích rừng do cộng đồng quản lý lên tới 513 triệu ha, tương đương 1/8 diện tích rừng thế giới, và hiện đang có xu hướng tăng lên. Viện Tài nguyên Thế giới và Sáng kiến về Quyền và Tài nguyên đã nghiên cứu và kết luận rừng do cộng đồng quản lý có tỉ lệ mất trung bình thấp hơn 11 lần so với rừng tự nhiên. Nhiều người dân địa phương đã biết tìm hiểu các mô hình kinh doanh giúp họ vừa kiếm sống vừa bảo vệ rừng, thông qua nguồn thu nhập mới từ dịch vụ hệ sinh thái và quản lý khu bảo tồn.
Các khoản chi cho các dịch vụ hệ sinh thái cũng là một bước tiến mới. Các cơ chế các-bon rừng thuộc cơ chế Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) của Liên Hợp Quốc đang dần được hiện thực hoá, việc này đã cho thấy thế giới đang bắt đầu chú ý tới các lợi ích của một hệ sinh thái khoẻ mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những lạc quan là nguy cơ phía trước. Tốc độ gia tăng dân số kéo theo nhu cầu tiêu thụ sẽ bòn rút nguồn tài nguyên trên Trái Đất, làm gia tăng áp lực lên các hệ sinh thái, trong đó có hệ sinh thái rừng. Các giải pháp tăng năng suất đất nông nghiệp và đất bị thoái hoá như sử dụng hoá chất và công nghệ biến đổi gen, nông trại hữu cơ đang gây nhiều tranh cãi. Người tiêu dùng có thể sẽ không còn quan tâm đến chứng nhận môi trường của các loại hàng hóa hàng hoá, đặc biệt là khi xu hướng tiêu dùng đang chuyển dịch từ phương Tây sang phương Đông. Cuối cùng, thất bại trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu cũng có thể khiến rừng bị thoái hoá nghiêm trọng dù có được bảo vệ hay không, ví dụ như những vụ hạn hán gây mất rừng quy mô lớn tại Amazon.