ThienNhien.Net – Theo số liệu chính thức từ sự cố hạt nhân tại Fukushima, đã có gần 2.000 người thiệt mạng do phải hứng chịu những “tác dụng phụ” của việc sơ tán khỏi khu vực phơi nhiễm phóng xạ.
Việc sơ tán người dân đến những khu vực xa lạ, gia đình ly tán, thiếu mạng lưới xã hội hỗ trợ, cơ sở vật chất hoang tàn, sức khỏe kiệt quệ và mất phương hướng có thể sẽ và thực sự đã ảnh hưởng đến nhiều người dân, đặc biệt là người già.
Đã có dấu hiệu gia tăng tỷ lệ tự sát tại các khu sơ tán Fukushima. Theo báo cáo từ Văn phòng Nội các Nhật Bản, từ tháng 03/2011 đến tháng 07/2014, đã có 56 trường hợp tự sát ở Fukushima được cho là có liên quan đến thảm họa hạt nhân. Và đây được coi là con số còn chưa đầy đủ.
Ảnh hưởng đối với sức khỏe tâm lý
Phơi nhiễm phóng xạ và việc sơ tán cũng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý con người. Theo Luậnán Tiến sĩ của Becky Martin tại Đại học Southampton (Anh Quốc), tác động nghiêmtrọng nhất của các sự cố phóng xạ là đối với tinh thần của con người. “Hãy tưởng tượng rằng bạn vừa được thông báo toàn bộ đất, nước xung quanh bạn, bầu không khí bạn đang hít thở đều đã nhiễm chất độc chết người vô hình. Chất độc đó có thể khiến bạn mất khả năng sinh sản hay ảnh hưởng đến những đứa con chưa được chào đời của bạn. Đến những người kiên cường nhất cũng sẽ phải lo sợ…” – Bà giải thích.
Hàng ngàn người sống sót sau thảm họa phóng xạ đã mắc phải căn bệnh Rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD), trầm cảm và hoang mang lo lắng bởi những gì mà họ đã trải qua và những bất ổn sức khỏe họ có thể gặp phải. Nỗi sợ hãi, lo lắng và căng thẳng gia tăng khi phải sơ tán có thể còn khiến số người già tử vong và các vụ tự sát nhiều hơn nữa.
Tuy nhiên, thực tế trên không đồng nghĩa với việc phản đối sơ tán trong tình trạng khẩn cấp.“Chúng ta cần cung cấp những hỗ trợ xã hội tốt hơn cho các khu tái định cư và tăng cường điều trị tâm lý dài hạn cho những nạn nhân sống sót sau thảm họa để cải thiện tình trạng sức khỏe và bảo vệ tương lai của họ,” Becky Martin khẳng định.