Tiết lộ phát hiện về những tổ tiên mới của loài người hiện đại

ThienNhien.Net – Các nhà khoa học đã phát hiện hàng ngàn mẩu xương của một chủng loài chưa hề được biết đến nhưng có họ hàng rất gần với loài người, nằm sâu trong hệ thống hang động Rising Star cách thành phố Johannesburg (Nam Phi) 30 dặm về phía Tây Bắc.

Những mảnh xương hóa thạch được tìm thấy (Nguồn: RT.com)
Những mảnh xương hóa thạch được tìm thấy (Nguồn: RT.com)​

Tổ tiên mới được phát hiện của loài người này được đặt tên là Homo naledi, đặt theo tên của hang nơi những mảnh xương được phát hiện: Dinaledi (Muôn vì sao).

Hang Dinaledi chỉ mới được phát hiện cách đây 2 năm, và những gì các nhà khoa học tìm thấy trong hang mới được công bố lần đầu tiên hôm thứ Năm vừa qua.

Từ những mảnh xương tìm thấy, các nhà khoa học cho biết những tổ tiên của loài người hiện đại này đã biết đứng thẳng và đi bằng hai chân, cũng như có một bộ não nhỏ.

Một trong những điểm đáng chú ý, theo các nhà nghiên cứu, là những mảnh xương được tìm thấy dưới hang có thể là vì những tổ tiên này đã chôn cất các thi hài tại đây – một hành vi chưa hề được biết đến ở những sinh vật dạng người còn ở mức độ nguyên thủy.

160915_totien2

​Nhóm nghiên cứu đã khai quật được gần 1.600 mẫu hóa thạch từ trong hang. Có ít nhất 15 cá thể đã được xác định từ những mẩu xương hóa thạch được nghiên cứu, được nhận dạng nhờ hình dạng hàm răng.

Đây là bộ sưu tập hóa thạch sinh vật họ người lớn nhất từng được tìm thấy tại châu Phi, và phát hiện này đã thay đổi những hiểu biết của con người về sự tiến hóa của những loài họ hàng của mình.

Trước đây, chúng ta từng cho rằng sự tiến hóa của người hiện đại (Homo sapiens) diễn ra thông qua việc hình thành những đặc điểm hiện đại như não bộ và bàn chân cùng phát triển. Tuy nhiên, hóa thạch của người Homo naledi lại cho thấy sự tiến hóa của họ không thuận lợi như vậy.

Nhà khoa học Harcourt-Smith, người chủ trì cuộc nghiên cứu cho biết bàn chân của người Homo naledi cũng tương tự như chân của người hiện đại với chiều cao khoảng 1,5m. Tuy nhiên, hộp sọ của họ chỉ có kích thước bằng 1/3 so với hộp sọ của người hiện đại, tức là não của họ nhỏ hơn chúng ta rất nhiều.

Mặc dù đã có thể đứng thẳng và đi, nhưng bàn chân và các ngón chân của họ không được linh hoạt, và xương vai và xương bàn tay cho thấy họ có thể dễ dàng trèo cây hay leo trèo trong hang động.

Phát hiện này đã mở rộng thêm những hiểu biết về sự tiến hóa của con người: hành trình từ những động vật linh trưởng ban đầu trở thành người hiện đại rắc rối và có nhiều hướng rẽ hơn chúng ta từng biết.

Một điều khó khăn nữa là các nhà khoa học vẫn chưa biết được tuổi thọ của các mảnh xương hóa thạch. Từ cấu trúc vật lý và hình dáng bên ngoài, có thể người Homo naledi đã tiến hóa từ cách đây khoảng 2,8 triệu năm, tuy nhiên khoảng thời gian chính xác vẫn là một ẩn số.

Hiện các nhà khoa học vẫn chưa thể dùng phương pháp xác định niên đại bằng cacbon hay thử nghiệm DNA vì các phương pháp này đòi hỏi phải phá hủy một số mẫu vật- điều mà họ không muốn.160915_totien3

​Nhưng đáng ngạc nhiên hơn là trừ những mảnh xương ra, trong hang không còn một thứ gì khác có thể được dùng để xác định niên đại. Đây là lý do mà các nhà nghiên cứu tin rằng người Homo naledi đã chôn cất đồng loại của mình trong chiếc hang sâu.

Hành vi chôn cất-đặt các xác chết ở một nơi cố định một cách có chủ ý là điều mà các nhà khoa học từng cho là “không cô bất cứ loài họ người nào từng nghĩ tới trong 300.000 năm trước.”

Những đặc điểm địa lý tại hang Dinaledi cho thấy những thi thể đã được mang tới đây trong một khoảng thời gian dài, tức là không có khả năng từng xảy ra thiên tai hay một sự cố nào đó làm chết nhiều người cùng một lúc.

Một bộ xương được ghép lại của người Homo naledi, cùng hình họa so sánh giữa người Homo naledi với những loài khác thuộc họ Homo như Homo erectus.
Một bộ xương được ghép lại của người Homo naledi, cùng hình họa so sánh giữa người Homo naledi với những loài khác thuộc họ Homo như Homo erectus.

Khám nghiệm răng cho thấy những thi thể có độ tuổi khác nhau, từ trẻ em tới thiếu niên và người già. Không có dấu hiệu của bạo lực, ngã hay ăn thịt người trên các mảnh xương, cũng như không có dấu vết của bất cứ sinh vật khác loài nào khác trong hang động, chứng tỏ người Homo naledi đã đưa những đồng loại qua đời của mình đến đây một cách có chủ đích.

Điều này đã làm thay đổi mọi thứ chúng ta biết về những tổ tiên ban đầu của mình. “Đó không phải là điều bạn sẽ kỳ vọng từ những sinh vật có bộ não nhỏ như vậy”, Harcout-Smith chia sẻ.