ThienNhien.Net – Do nhu cầu san lấp mặt bằng cũng như xây dựng các công trình cần một lượng đất, đá và cát rất lớn, nên xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp (DN) ở Đà Nẵng lợi dụng khai thác không đúng vị trí cấp phép; nạn khai thác khoáng sản trái phép diễn ra liên tục, nhưng việc quản lý của cơ quan chức năng vẫn còn nhiều hạn chế làm ảnh hưởng lớn đến môi trường, đời sống nhân dân cũng như lãng phí tài nguyên khoáng sản.
Đà Nẵng đang trong quá trình chỉnh trang, đô thị hóa với tốc độ nhanh, nhiều công trình, dự án được xây dựng rộng khắp. Bên cạnh đó, hiện có một số dự án cấp quốc gia được triển khai và gấp rút thi công như: Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, dự án mở rộng Quốc lộ 1A… Theo đó là các mỏ đá, đất, cát cũng ồ ạt khai thác và cung ứng cho các nhà thầu thi công kịp tiến độ.
Có mặt tại mỏ đá Phước Thuận 3 (Hòa Nhơn, Hòa Vang) do Cty Cổ phần Vật liệu xây dựng FOCOCEV khai thác; mỏ đá Hố Sanh (xã Hòa Nhơn) của Cty TNHH Thương mại – Dịch vụ và Xây dựng Thạc Toàn; mỏ đá Phước Hậu (xã Hòa Nhơn) do Công ty TNHH Hoàng Khoa khai thác, cũng như nhiều mỏ đá ở địa bàn phường Hòa An, Hòa Phát (quận Cẩm Lệ), Hòa Minh (quận Liên Chiểu)… chúng tôi nhận thấy mỗi mỏ đá nằm trải dài trên diện tích rộng lớn, hố khai thác đào sâu hoắm, hàng chục nghìn m3 đá đã khai thác, vận chuyển đi hết nhưng không hề hoàn thổ mặt bằng.
Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đà Nẵng cho biết, thời gian qua đã phối hợp với đơn vị chức năng và chỉ đạo kiểm tra, xử lý việc khai thác đất đồi, cát dưới sông, đất sét trên địa bàn… Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, địa bàn quản lý rộng, phức tạp nên chưa giám sát thường xuyên, đôi nơi vẫn còn có trường hợp lén lút khai thác khoáng sản.
Năm 2014, Đà Nẵng quyết định chấm dứt hiệu lực, thu hồi giấy phép (GP) của 24 trường hợp do không chấp hành đúng quy định, không lập thủ tục gia hạn giấy phép; không chịu hoàn thổ khi khai thác xong…. Đến nay, số GP khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được cấp đang còn hiệu lực là 43, ngoài ra còn 1 GP do Bộ TN&MT cấp.
Để chấn chỉnh, lập lại kỷ cương trên lĩnh vực nóng bỏng này, ngoài số tiền ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường theo quy định; Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã yêu cầu Sở TN&MT làm việc với các đơn vị, cá nhân khi được cấp phép khai thác, phải nộp đầy đủ số tiền cược tối thiểu là 500 triệu đồng, để đảm bảo cam kết hoàn thổ tại khu vực mỏ sau khi kết thúc. Đây là biện pháp đúng đắn, bởi các DN khai thác hết hoặc nửa chừng “bỏ chạy”, thì sẽ dùng kinh phí này để hoàn thổ và nộp phạt hành chính; còn doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng sẽ nhận lại số tiền nói trên.
Trong năm 2015, Đà Nẵng sẽ dừng hoạt động khai thác, đóng cửa 7 mỏ đá, bao gồm: Mỏ đá Hòa Phát (phường Hòa An, Cẩm Lệ) do Cty Cổ phần Đá xây dựng Hòa Phát khai thác; mỏ đá Phước Tường (phường Hòa Phát, Cẩm Lệ) của Xí nghiệp Vật liệu giao thông Đà Nẵng; mỏ đá Phước Lý (Hòa Minh, Liên Chiểu) do Cty TNHH Nho Chiến khai thác; mỏ đá Phước Thuận 3 (Hòa Nhơn, Hòa Vang) của Cty Cổ phần Vật liệu xây dựng FOCOCEV; mỏ đá Hố Sanh (xã Hòa Nhơn) của Cty TNHH TM-DV và Xây dựng Thạc Toàn; mỏ đá Phước Hậu (xã Hòa Nhơn) của Cty TNHH Hoàng Khoa và mỏ đá Đại La 2 (xã Hòa Sơn, Hòa Vang) của Chi nhánh Cty Cổ phần Khai thác khoáng sản và xây dựng Miền Nam. Đến năm 2020, sẽ tiếp tục đóng cửa 10 mỏ đá khác.
Ngoài ra, còn lập thủ tục, thu hồi GP đối với mỏ đá Hố Khế đã cấp cho Cty Cổ phần Dinco và mỏ đá Phước Hưng (xã Hòa Nhơn) cấp cho Cty Cổ phần Xây dựng miền Trung khai thác do sau khi được cấp phép thì các đơn vị này không lập thủ tục tiếp theo cũng như không đưa mỏ vào khai thác.
Chủ tịch UBND TP cũng đã yêu cầu Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan cứ định kỳ 1 quý phải tổ chức 1 đợt kiểm tra (không kể trường hợp đột xuất) về việc tuân thủ theo đúng các quy định tại giấy phép, tránh tình trạng khai thác trái phép, khai thác ngoài khu vực cấp phép. Đề nghị Công an TP phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp khai thác trái phép. Nếu đơn vị đang khai thác âm tạo thành hố thì cho dừng ngay và thực hiện hoàn thổ trả lại mặt bằng theo hiện trạng ban đầu…
Với thái độ và biện pháp cương quyết trên, hy vọng việc chấn chỉnh lại hoạt động khai thác khoáng sản đất, đá trên địa bàn TP Đà Nẵng sẽ hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường, xâm phạm nguồn tài nguyên khoáng sản, góp phần phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững.