ThienNhien.Net – Báo SGGP từng có bài “Moi lòng” sông Lam phản ánh tình trạng khai thác cát, sạn không phép trên sông Lam. “Tiếp tay” cho các tàu, thuyền hút cát trên sông chính là các bến, bãi tập kết cát, sạn hoạt động không phép ở hai bên bờ sông. Trong khi các cơ quan liên quan của tỉnh Nghệ An vẫn chỉ xử lý theo kiểu “phạt cho… tồn tại”.
Bến cát “áp sát” cầu đường sắt Bắc – Nam
Đi dọc tuyến đê Tả Lam, từ cầu Bến Thủy 2 lên cầu Nam Đàn, chỉ dài hơn 30km nhưng có tới trên 10 bến, bãi cát, sạn hoạt động rầm rộ. Đặc biệt, tại ngay sát hai bên chân cầu đường sắt Yên Xuân (xã Hưng Xuân, huyện Hưng Nguyên) có 4 bến tập kết lớn. Đây được xem là nơi tập kết cát, sạn cung cấp cho các công trình xây dựng ở các huyện: Hưng Nguyên, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TP Vinh (Nghệ An) và ra tận ngoài cả Thanh Hóa. Theo quan sát, mỗi bến có 2 cần cẩu loại lớn hoạt động liên tục để đưa cát, sạn từ tàu thuyền lên bến, từ bến lên xe ben. Theo một số chủ tàu, cát sau khi khai thác trên sông Lam được họ chở về bán lại cho các chủ bến với giá 16.000 đồng/m³. Lân la hỏi chuyện một công nhân đang làm tại một bến cát bên chân cầu Yên Xuân, anh này tiết lộ, trung bình mỗi ngày đêm bến này bốc lên xe khoảng trên 1.000m³ cát, với giá 30.000 đồng/m³.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết cả 4 bến bãi hoạt động “áp sát” chân cầu Yên Xuân đều không có giấy phép hoạt động. Ông Nguyễn Văn Phận, Chủ tịch UBND xã Hưng Xuân, tỏ ra bất ngờ khi chúng tôi nói 4 bến cát hoạt động “chui”. Ông Phận cho biết, các bến này hoạt động từ năm 2001, đất do xã hợp đồng cho thuê với giá bình quân mỗi bến 25 triệu đồng/năm. Đây là đất công ích do xã quản lý, cho thuê để tạo nguồn thu ngân sách. Khi cho thuê, chính quyền xã yêu cầu các chủ bến bãi phải tập kết cát, sạn cách xa chân cầu đường sắt Yên Xuân 150m nhưng sau đó các bến này lấn dần vào tới tận chân cầu. Ông Phận giải thích: “Xã chỉ quản lý việc đảm bảo môi trường và không chở quá tải, còn việc kiểm tra giấy phép không được giao”.
Việc các bến cát, sạn “áp sát” chân cầu Yên Xuân cũng khiến đơn vị quản lý cầu đường sắt này “đau đầu”. Ông Nguyễn Thế Thông, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh, cho biết, theo quy định, không được phép xây dựng, đào bới làm ảnh hưởng đến chân cầu sắt Yên Xuân trong vòng bán kính 150m. Việc tàu thuyền tập kết dưới chân cầu; các cần cẩu, máy xúc, ô tô… hoạt động bên chân cầu là vi phạm quy định bảo vệ hành lang an toàn cho cầu. Ông Thông bức xúc: “Chúng tôi đã nhiều lần kiểm tra, lần nào cũng làm việc với chính quyền địa phương và yêu cầu họ không cho tập kết vật liệu trong phạm vi bảo vệ cầu nhưng không có kết quả. Các bến cát vẫn hoạt động như các anh vừa thực tế thấy”.
“Phạt cho… tồn tại”
Ông Thái Huy Dũng, Trưởng phòng Công thương huyện Hưng Nguyên cho biết, hiện trên địa bàn huyện có 18 bến tập kết cát, sạn nhưng chỉ 5 bến có giấy phép mở bến. Cụ thể, trên sông Lam có 9 bến nhưng chỉ có 1 bến có phép, còn lại đều hoạt động chui. Hàng năm, vẫn thường xuyên kiểm tra các bến này và với mỗi bến trái phép đều bị xử phạt từ 15 – 20 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Dũng thừa nhận, sau khi bị phạt xong các bến, bãi không phép vẫn hoạt động mà không thể dẹp được. Ông Dũng lý giải: “Việc xử phạt xong các bến lậu vẫn hoạt động là do nhu cầu xây dựng của người dân và huyện đang tìm địa điểm để quy hoạch bến nhưng chưa tìm được”. Ông Dũng cũng cho rằng thẩm quyền xử lý các bến bãi không phép đã được giao về cho cấp xã. Trong khi đó, như ông Nguyễn Văn Phận, Chủ tịch UBND xã Hưng Xuân, lại cho rằng xã chưa được giao thẩm quyền xử lý vấn đề này.