Châu Á dẫn đầu về cải thiện năng lượng

ThienNhien.Net – Các quốc gia châu Á đang có những đóng góp quan trọng giúp thế giới đạt được mục tiêu năng lượng bền vững toàn cầu, theo báo cáo mới đây của của Ngân hàng Thế giới (WB).

Thế nhưng trong khi đảm bảo chắc chắn khả năng cung cấp điện cho người dân trong khu vực và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo hiện đại, châu Á vẫn cần cải thiện hiệu quả năng lượng, đồng thời cần tiếp cận thêm với các nhiên liệu sạch, không khói.

Tiến trình hướng tới năng lượng bền vững: Khung đánh giá toàn cầu 2015″ là bản báo cáo thứ hai trong loạt báo cáo giám sát tiến trình thế giới nhằm hướng đến ba mục tiêu của sáng kiến Năng lượng Bền vững cho Mọi người (SE4All) – toàn thế giới tiếp cận năng lượng, nhân đôi tỷ lệ cải thiện hiệu quả năng lượng, và thị phần năng lượng tái tạo vào năm 2030. Trong khi bản báo cáo đầu tiên (2013) đánh giá tiến trình từ năm 1990 đến năm 2010, báo cáo thứ hai này tập trung vào giai đoạn 2010-2012.

Một công nhân Campuchia đang thu lượm vỏ bao xi măng trước thủy điện Kamchay, tỉnh Kampot, Campuchia (Ảnh chụp tháng 7 năm 2011: ationmultimedia.com)
Một công nhân Campuchia đang thu lượm vỏ bao xi măng trước thủy điện Kamchay, tỉnh Kampot, Campuchia (Ảnh chụp tháng 7 năm 2011: Nationmultimedia.com)

Theo báo cáo, châu Á đóng góp khoảng 60% tiến bộ toàn cầu về tiếp cận năng lượng và các mục tiêu năng lượng sạch trong giai đoạn 2010-2012,  vượt xa so với tỷ lệ dân số và tiêu thụ năng lượng của châu lục này trên tổng toàn cầu.

Châu Á đang mở rộng mạnh mẽ sang lĩnh vực năng lượng tái tạo hiện đại (với các nguồn như năng lượng mặt trời, gió và địa nhiệt). Nếu như tiêu thụ năng lượng tái tạo hiện đại tăng 4% mỗi năm trên toàn cầu trong suốt giai đoạn 2010-2012, thì mức tăng trưởng đó còn gấp đôi ở châu Á (tức 8%).

Số lượng người dân Châu Á có điện sử dụng cũng tăng thêm 0,9% hàng năm trong giai đoạn 2010-2012, vượt xa tỷ lệ toàn cầu là 0,6%. Đồng thời, trong khi dân số thế giới tiếp cận với nhiên liệu nấu ăn sạch trong giai đoạn này đang giảm thì ở châu Á lại có sự tăng nhẹ, mặc dù vẫn còn cách khá xa so với nhu cầu thực tế.

Tuy nhiên, quá trình giảm cường độ năng lượng (energy intensity) trong phát triển kinh tế của châu Á mới chỉ đạt 1,3% hàng năm, tụt lại phía sau so với mức trung bình toàn cầu là 1,7%.

Khung giám sát Chương trình Năng lượng bền vững Toàn cầu, được ban Năng lượng và Khai khoáng Toàn cầu của Ngân hàng Thế giới, Chương trình hỗ trợ quản lý ngành Năng lượng của Ngân hàng (ESMAP), và Cơ quan Năng lượng Quốc tế cùng soạn thảo, và được hỗ trợ bởi 20 tổ chức đối tác và cơ quan khác.

Theo báo cáo, trên thế giới có 222 triệu người có điện sử dụng trong giai đoạn 2010-2012 và 1,1 tỷ người vẫn chưa được tiếp cận với điện. Trong khi đó, 2,9 tỷ người vẫn còn sử dụng các loại nhiên liệu sinh khối như gỗ và phân, hầu hết là ở các vùng nông thôn thuộc tiểu vùng Sahara châu Phi, Nam Á và Đông Á.

Bên cạnh đó, mặc dù thế giới đã cố gắng hạn chế tiêu thụ năng lượng vào năm 2012, báo cáo cho biết cường độ năng lượng vẫn cần phải giảm nhanh hơn ít nhất 50% và mức tiêu thụ năng lượng tái tạo hiện đại trên toàn cầu cũng cần phải tăng gấp đôi tốc độ hiện nay là 4% mỗi năm, thì mục tiêu SE4All mới có thể đạt được.

Một số nền kinh tế lớn của châu Á hiện đang giữ vai trò quan trọng trong các nỗ lực toàn cầu để đạt mục tiêu SE4All. Báo cáo nhấn mạnh một số thành tựu ấn tượng trong giai đoạn 2010-2012 bao gồm những quốc gia sau đây:

– Ấn Độ, Philippines và Bangladesh đạt thành tựu cao nhất về cung cấp điện và đóng góp gần 4 điểm phần trăm vào tỷ lệ cung cấp điện.

– Việt Nam và Indonesia đặc biệt mạnh về cung cấp nhiên liệu đun nấu sạch, hiện đại và đóng góp khoảng 3-4 điểm phần trăm vào mức độ tiếp cận nhiên liệu đun nấu sạch của hai quốc gia này.

– Nhật Bản và Indonesia đứng đầu trong việc giảm cường độ năng lượng (một chỉ số đánh giá hiệu quả năng lượng) trên tỷ lệ tăng trưởng hàng năm khoảng 5%.

– Australia và Trung Quốc đạt khoảng 1 điểm phần trăm mỗi nước trong mở rộng năng lượng tái tạo.

 

Quỹ OPEC cho Phát triển quốc tế khẳng định sẽ chuyển 1 tỷ USD cam kết hỗ trợ một lần trước kia cho giảm thiếu hụt năng lượng sang một quỹ quay vòng nhằm duy trì liên tục. Cam kết hỗ trợ của quỹ này đã vượt quá 1, 4 tỷ USD so với nguồn vốn ban đầu.

Hàng loạt các quốc gia cũng bày tỏ cam kết của mình:

– Trung Quốc cho biết kế hoạch cung cấp điện cho toàn dân sẽ hoàn thiện đúng hạn trong năm nay và cam kết tăng tỷ trọng nhiên liệu phi hóa thạch trong tổng tiêu thụ năng lượng lên 15% trong năm 2020 và 20% vào năm 2030, so với khoảng 11% vào năm ngoái.

– Tổ chức phi chính phủ của Hà Lan Energia cũng cam kết dành 13 triệu € từ quỹ tài trợ chính phủ trong vòng 5 năm tới để phục vụ các hoạt động liên quan tới năng lượng, như xây dựng năng lực cho hơn 3.000 doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo để cung cấp các dịch vụ năng lượng cho hơn 2 triệu người tiêu dùng.

– Mặc dù đã phổ cập các dịch vụ năng lượng hiện đại, Quốc đảo Barbados vẫn đang nỗ lực tạo ra một nửa năng lượng từ các nguồn tái tạo và cắt giảm 22% tiêu thụ điện năng vào năm 2020.

– Song song với việc cấp kinh phí cho các nhóm điều phối SE4All nhỏ trên toàn cầu, Anh Quốc cam kết sẽ hỗ trợ một chương trình mới có tên “Green Mini- Grids in Africa” (Tiểu mạng lưới xanh ở châu Phi) giúp cung cấp năng lượng sạch và an toàn cho 1 triệu người ở Kenya và Tanzania.

– Tập đoàn Năng lượng tái tạo PowerGen cho biết sẽ cung cấp điện cho 800.000 người ở Đông Phi vào năm 2020 thông qua 1.100 vi lưới mặt trời.

– Tập đoàn Enel của Ý cam kết đầu tư 8,8 tỷ € cho phát triển năng lực năng lượng tái tạo từ giữa năm nay cho đến 2019, tăng 50% so với các dự án trước đó, bổ sung 7.100 MW công suất lắp đặt trên toàn cầu.