ThienNhien.Net – Nhiều thập kỷ qua, những nỗ lực bảo tồn nhằm hạn chế sự suy giảm số lượng cá thể các loài thú ăn thịt lớn trên toàn cầu đã đạt được những thành công đáng kể. Tuy nhiên xét về khía cạnh hệ sinh thái, sự phục hồi của các loài ăn thịt cỡ lớn lại mang đến những thách thức mới cho công tác bảo tồn.
Luật pháp của Mỹ, đặc biệt là Đạo luật về các loài nguy cấp (ESA) và Đạo luật về bảo vệ động vật biển có vú (MMPA), đã thúc đẩy việc phục hồi nhiều loài thủy sinh và các loài sống trên cạn, bao gồm loài sư tử biển California (Zalophus californianus) và cá voi sát thủ (Orcinus orca) sống dọc theo bờ tây, loài sói xám (Canis lupus) và gấu xám (Ursus arctos horribilis) tại khu vực Greater Yellowstone. Cả hai đạo luật này đều chủ yếu tập trung bảo vệ một loài riêng lẻ, nhưng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hệ sinh thái lành mạnh và bảo vệ môi trường sống thiết yếu.
Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Conservation Letters, các nhà khoa học đã xem xét những ảnh hưởng từ sự khôi phục các loài động vật ăn thịt trong hệ sinh thái nơi chúng sinh sống, và chỉ ra ba xung đột không được lường trước:
Thứ nhất, tăng số lượng các động vật ăn thịt dẫn đến cạnh tranh nguồn thức ăn với con người. Thứ hai, những động vật được bảo vệ đôi khi lại đi săn các loài cũng được bảo vệ khác. Thứ ba, cạnh tranh con mồi có thể phát sinh giữa các loài thú. Các nhà quản lý động vật hoang dã vẫn chưa có một giải pháp rõ ràng cho ba vấn đề hóc búa này.
Chẳng hạn, sự trở lại của sư tử biển California và cá voi sát thủ cũng như loài hải cẩu cảng Thái Bình Dương (Phoca vitulina) ở Tây Bắc Thái Bình Dương – được bảo vệ theo Luật MMPA) – đã gia tăng sự cạnh tranh nguồn cá giữa các loài này với con người. Hơn nữa, cả ba loài ăn thịt trên đều có chung nguồn thức ăn là cá hồi Chinook (Oncorhynchus tshawytscha) đang được Luật ESA bảo vệ do quần thể loài suy giảm. Cuộc chiến giành con mồi giữa những động vật ăn thịt có thể ảnh hưởng ngược lại lên chính bản thân chúng, khiến chúng tiêu diệt lẫn nhau.
Tương tự, loài sói xám và gấu xám tại vùng Greater Yellowstone được bảo vệ dưới Luật ESA hiện đang cạnh tranh nguồn thức ăn là loài nai sừng tấm (Cervus elaphus) với nhau và với các thợ săn. Sự phục hồi của cả hai loài trên đã tăng áp lực lên các quần thể nai sừng tấm vốn đã và đang đối mặt với sự suy giảm về số lượng.
“Những xung đột tài nguyên giữa con người và động vật biển có vú đã diễn ra từ hàng nghìn năm nay trên khắp thế giới. Tuy nhiên, điều thú vị là nỗ lực giải quyết các tranh chấp lại đi song song với việc bảo vệ các loài động vật ăn thịt theo đạo luật MMPA,” Eric Ward – nhà sinh vật biển làm việc tại Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) và là đồng tác giả nghiên cứu cho biết.
Các tác giả cũng nhấn mạnh rằng, còn rất nhiều “mâu thuẫn trong bảo tồn đa dạng loài” khác. Ví dụ, quần thể hải cẩu đang được khôi phục trong khi nguồn thức ăn của chúng là loài cá tuyết trên bờ đông Bắc Mỹ cũng đang bị suy giảm; loài hải cẩu và sư tử biển được bảo vệ lại tiêu diệt loài cá hồi đang bị đe dọa ở Puget Sound, hay một loài chim có nguy cơ tuyệt chủng ở California lại bị một loài cáo đang bị đe dọa khác ăn thịt. Trong khi đó loài đại bàng vàng (Aquila chrysaetos) được bảo vệ lại có nguồn thức ăn là cả loài cáo và loài chim kể trên.
Luật ESA và MMPA bao gồm một điều khoản được coi là “van điều tiết an toàn”, cho phép loại bỏ các loài được bảo vệ trong một số hoàn cảnh nhất định để giảm tình trạng xung đột. Tuy nhiên điều khoản này có thể gây tranh cãi và kết quả đưa ra không hề chắc chắn. Ví dụ, sự lựa chọn có thể khả thi về mặt pháp lý, nhưng lại không được chấp nhận về mặt xã hội.
Để giải quyết ba loại xung đột kể trên, các tác giả khuyến nghị cần cải thiện các chương trình giám sát và các hệ thống mô hình để hiểu rõ hơn tương tác giữa loài ăn thịt và con mồi, từ đó phát triển kế hoạch phục hồi các loài động vật theo mối liên kết sinh thái. Bên cạnh đó, các tác giả nhấn mạnh thiếu sót trong hướng dẫn quản lý bảo tồn đối với việc ưu tiên bảo vệ một loài hơn loài khác có mức độ bảo vệ tương đương.
“Rõ ràng, việc phục hồi quần thể các loài động vật ăn thịt là có lợi cho hệ sinh thái, tuy nhiên những cái giá kèm theo cũng đang được thực tế chứng minh. Thấu hiểu và trao đổi về những tổn thất cũng như những lợi ích của hoạt động bảo tồn này sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp hơn cho khoa học, quản lý và chính sách,” Krisrub Marshall – trưởng nhóm nghiên cứu khẳng định.