Khi khoáng sản là “bà đỡ” cho GDP

ThienNhien.Net – Theo các chuyên gia, Chính phủ và các Bộ ngành cần nghiên cứu các giải pháp để vừa giảm phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, vừa giảm lãng phí tài nguyên vì hiện nay ngành này vẫn được coi là đứng thứ 3 cho sự đóng góp của tăng trưởng GDP.

Ông Phạm Đình Thúy – Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết: Công nghiệp khai khoáng tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực chính là than, dầu và khí. Theo số liệu thống kê kinh tế trong những tháng vừa qua của Tổng cục Thống kê, công nghiệp khai khoáng tiếp tục là ngành có đóng góp lớn và tăng trưởng cao, đứng ở vị trí thứ 3 trong các ngành có đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng GDP. Trong đó, lĩnh vực dầu thô tăng 11%, khí hóa lỏng tăng 8,4%, các sản phẩm khai khoáng khác tăng 12,1%.

150915_khoangsan

Cũng theo Bộ Công thương, lượng than đá xuất khẩu của nước ta trong 6 tháng đầu năm 2015 giảm tới 77% về sản lượng so với cùng kỳ năm 2014, chỉ ở mức hơn 704.000 tấn, trong khi con số của năm 2014 là hơn 4 triệu tấn. Việc lượng than đá xuất khẩu gần đây giảm bắt nguồn từ chủ trương hạn chế xuất khẩu than của Chính phủ nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và nhu cầu sử dụng trong nước.

Trong một báo cáo công bố đầu tháng 5/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính thức thừa nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ trong quý I/2015 (tăng 6,03%) chủ yếu là do đóng góp đáng kể của ngành khai khoáng mà chủ yếu là khai thác xuất khẩu (XK) dầu thô, than đá, công nghiệp chế biến chế tạo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: Trong các quý, tới nếu ngành khai khoáng không duy trì mức tăng như quý I thì tăng trưởng kinh tế có thể sẽ chậm lại.

Thực tế, không phải quý I năm 2015, kinh tế mới dựa vào dầu thô, than đá… Vào năm 2014, việc tăng cường khai thác và xuất khẩu những mặt hàng này đã giúp kinh tế đạt mức tăng trưởng ở mức xấp xỉ 6%. TS Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia cho biết: Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2014 cao hơn năm 2013 chủ yếu do bán thêm 1 triệu tấn dầu thô và  khoảng 500.000 tấn than.

Về lâu dài, công nghiệp khai khoáng vẫn chiếm vị trí khá quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của nước ta, đóng góp không nhỏ trong GDP và ngân sách Nhà nước. Đồng thời, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo tính toán của chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, khai thác và XK dầu thô nói chung, thu ngân sách Nhà nước từ dầu thô nói riêng vẫn đóng vai trò rất quan trọng. Chẳng hạn, giai đoạn 2002-2008 dầu thô liên tục đóng góp từ 20-30% vào tổng thu ngân sách Nhà nước…

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần tiếp tục có những giải pháp tổng thể và đồng bộ hơn để vừa giảm phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, vừa giảm lãng phí tài nguyên trong khai thác và hỗ trợ ngành công nghiệp khai khoáng, đóng góp hiệu quả hơn trong thu ngân sách Nhà nước.