Bài cuối: Dung hòa lợi ích đi đôi với xử lý nghiêm
ThienNhien.Net – Việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị là vấn đề cấp bách. Tuy vậy, qua khảo sát, các cơ quan chức năng vẫn còn lúng túng trong việc tham mưu phương án quy hoạch sử dụng đất sau khi di dời và hạ tầng cơ sở mới trước khi di dời.
Vấn đề này cần được tháo gỡ ngay trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp, có như vậy mới thực hiện hiệu quả Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ.
Quyết tâm xử lý triệt để
Tại hội nghị tổng kết việc triển khai Quyết định 64/2003/QĐ-TTg, diễn ra tháng 4-2011, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã giao Bộ TN&MT tiếp tục rà soát, thống kê, lập kế hoạch xử lý các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020. Và trên cơ sở kế hoạch do Bộ TN&MT lập tháng 10-2013, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định 1788/QĐ-TTg, ấn định đến ngày 31-12-2015 xử lý dứt điểm 229 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gồm các cơ sở sản xuất kinh doanh, bệnh viện, bãi rác tồn đọng từ Quyết định 64/2003/QĐ-TTg.
Để bảo đảm yêu cầu hoàn thành xử lý cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng vào ngày 31-12-2015, Bộ TN&MT đã kiến nghị ưu tiên phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước, nguồn sự nghiệp môi trường và nguồn đầu tư phát triển cho thực hiện xử lý triệt để các cơ sở ô nhiễm, nhất là cơ sở công ích. Cụ thể gồm: 15 bệnh viện, 5 bãi rác, 6 trung tâm giáo dục – lao động – xã hội có tên trong danh mục Quyết định 1788/QĐ-TTg; 3 bệnh viện, 6 bãi rác tồn đọng theo danh mục Quyết định 64/2003/QĐ-TTg.
Ngoài ra, Bộ còn kiến nghị sử dụng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường năm 2015, tập trung phân bổ kinh phí từ ngân sách trung ương để thực hiện dự án xử lý ô nhiễm môi trường đối với 5 làng nghề, 1 kho thuốc bảo vệ thực vật có tên trong danh mục theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg. Cùng với đó, Bộ TN&MT sẽ thanh tra, kiểm tra, giám sát liên ngành, nhằm xử lý nghiêm trường hợp cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng cố tình chây ì, không đầu tư triển khai theo kế hoạch. Bên cạnh xử phạt hành chính sẽ tăng cường áp dụng biện pháp mạnh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1788/ QĐ-TTg.
Hà Nội sẽ thông tin kịp thời đến doanh nghiệp
Theo Sở TN&MT Hà Nội, lộ trình tiếp theo thành phố cần làm là phải tập trung di dời các cơ sở gây ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch trong khu vực nội đô, nhất là 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Để thực hiện triệt để, liên ngành của TP Hà Nội phải đánh giá đầy đủ mức độ ô nhiễm của các cơ sở sản xuất làm căn cứ pháp lý thực hiện các biện pháp di dời. Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, muốn đánh giá được mức độ ô nhiễm thì cần phải có thời gian, nguồn lực.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường, đã có 389/439 cơ sở gây ô nhiễm theo danh mục Quyết định 64/2003/QĐ-TTg hoàn thành biện pháp xử lý triệt để.
Trong các cơ sở còn lại, có 26 cơ sở công ích (18 bãi rác, 8 bệnh viện) được Thủ tướng Chính phủ gia hạn đến ngày 31-12-2015, như vậy nếu không tính các cơ sở này, đến nay tỷ lệ xử lý đạt hơn 94%.
Đối với các cơ sở theo Quyết định 1788/QĐ-TTg, đã có 140 cơ sở hoàn thành biện pháp xử lý, số còn lại có thời hạn cuối đến ngày 31-12-2015.
Trước hết, cần thuê đơn vị tư vấn, quan trắc đánh giá mức độ ô nhiễm; nếu ô nhiễm thì phải đóng cửa sản xuất và buộc phải di dời… Qua rà soát, thống kê, Hà Nội có khoảng 200 đơn vị cần phải có thời gian quan trắc, đơn giá bình quân 40 triệu đồng/đơn vị. “Vấn đề này phải làm cẩn trọng mới có thể xác định mức độ doanh nghiệp vi phạm về ô nhiễm môi trường, lúc đó mới xử lý thuận lợi” – ông Nghĩa nhấn mạnh.
Theo đại diện Sở Tài chính và Sở QH&KT, cùng với thuê tư vấn, TP Hà Nội cần công bố quy hoạch công khai, có tiêu chí, lộ trình thực hiện cụ thể, rõ ràng; quy định rõ thế nào là ô nhiễm, thế nào là không phù hợp quy hoạch. Nếu Nhà nước không rõ tiêu chí, lộ trình thì bản thân mỗi doanh nghiệp khó triển khai thực hiện. Chưa kể, hầu hết doanh nghiệp đã, đang cổ phần hóa, không mặn mà với vốn hỗ trợ của Nhà nước mà muốn được hưởng lợi từ dự án đầu tư sau đó từ vị trí cũ.
Yếu tố quan trọng nữa là cần sự phối hợp thường xuyên, liên tục của các sở, ngành chức năng của thành phố, thông tin kịp thời đến doanh nghiệp, nhà đầu tư. Ban Chỉ đạo của thành phố nên 3 tháng họp với các quận, huyện, liên ngành để nắm bắt tình hình và chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc nếu có. Ngoài ra, cơ quan chủ trì là Sở TN&MT cần mời các doanh nghiệp lên công bố quyết định di dời, hướng dẫn cụ thể, tránh để họ “chạy” lòng vòng… Ngoài đánh giá đầy đủ mức độ ô nhiễm của các cơ sở sản xuất làm căn cứ pháp lý để thực hiện các biện pháp di dời… TP Hà Nội cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các cơ sở không thực hiện kế hoạch di dời theo quy định; đồng thời đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư và hoàn thiện hạ tầng đồng bộ các khu, cụm công nghiệp phân khu trên địa bàn, tạo mặt bằng phục vụ đơn vị di dời.
Phó Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai cho biết, sau khảo sát, Ban đề nghị các sở, ngành chức năng của thành phố cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền đến từng doanh nghiệp; xây dựng cơ chế phối hợp tốt hơn, phân rõ trách nhiệm từng ngành, từng cấp để nâng cao trách nhiệm; hướng dẫn các quận, huyện lập danh mục đúng, trúng với các quy định để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện. Ngoài ra, cơ quan chủ trì là Sở TN&MT tổng hợp những vướng mắc về chính sách, tham mưu cho UBND thành phố sớm kiến nghị TƯ để kịp thời tháo gỡ. Cùng với đó, phải có kế hoạch về việc sử dụng đất sau di dời đúng quy hoạch, phục vụ lợi ích hài hòa các bên.
Theo QĐ 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phạm vi áp dụng đối với các cơ sở cần phải di dời trong khu vực nội thành Hà Nội, bao gồm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Long Biên, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.
Đối tượng di dời là các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở điều trị có mức độ ô nhiễm, truyền nhiễm lây nhiễm cao, sử dụng quá tải; các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị nằm trong khu vực nội thành Hà Nội không phù hợp các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, gây mất cân đối về hạ tầng xã hội và kỹ thuật, giao thông, ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch chung.
Xử lý cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng: vì sao Chậm tiến độ? – Bài 2