ThienNhien.Net – Từ tiếng kêu cứu qua điện thoại, phóng viên Báo Lao Động vượt quãng đường hơn 100km từ TP.Vinh lên xã Yên Hợp (Quỳ Hợp, Nghệ An) để điều tra về nạn phá rừng. Vượt qua nhiều đèo dốc gian nan, chúng tôi đã tận mắt thấy rừng nguyên sinh đầu nguồn ở Quỳ Hợp đang bị tàn phá nặng nề.
Rừng đang bị “cạo trọc”
“Anh lên giúp chúng em với, rừng đầu nguồn ở đây đang bị chặt phá hết rồi. Mai đây bọn em sẽ không còn nước để sinh hoạt, cấy lúa nữa” – Vi Văn T (một thanh niên bản Tạt, xã Yên Hợp) liên tục gọi điện kêu cứu. Đường vào bản Tạt phải đi quãng đường 7km đất đá lổn nhổn, nhiều con dốc cao, xe máy nhảy chồm chồm và liên tục để ở số 1.
Dọc đường, chúng tôi gặp một chiếc xe đầu ngang, loại xe đã bị Nhà nước xóa sổ nhưng ở đây vẫn hoạt động, chở đầy gỗ rừng đi ra. Theo hướng dẫn của T, để đến được nơi “lâm tặc” đang hoạt động, chỉ còn nước duy nhất là đi bộ, nhiều đoạn phải bò, vì quá dốc.
Đi hết bản Tạt, vượt qua con suối, lần theo lối mòn đá lổn nhổn và dốc đứng, thấy một rãnh dấu đất còn mới, vương nhiều vỏ cây rừng, dấu hiệu của những cây gỗ vừa được kéo qua. Một thanh niên cầm dao, mặc áo bảo hộ lao động xuất hiện.
Thấy người lạ, anh ta hỏi: “Anh đi đâu đấy?”. Trả lời: “Có anh bạn ở trong này, rủ đi xem suối bản Tạt”. “Các anh làm gì ở đây?” – chúng tôi hỏi lại. “Bọn em đi làm củi”, thanh niên này đáp gọn rồi nhìn chúng tôi với ánh mắt dò xét.
Sau đó, chúng tôi tiếp tục đi sâu vào rừng. Thì ra “củi” là những khúc gỗ tròn, dấu cưa còn rất mới, được sắp xếp khá gọn thành hai dãy, chừng 20 khúc. Đi thêm một quãng nữa, nhiều khúc gỗ tròn nằm rải rác dọc tuyến đường.
Nhiều chỗ đất có dấu đào, chứng tỏ con đường này được mở ra để kéo gỗ. Vệt kéo gỗ dài hun hút. Lên đỉnh một ngọn núi, những vạt núi lớn đã bị “cạo” trọc lóc, nhiều chỗ cây bị đốt cháy nham nhở, chỉ còn trơ lại vài gốc cây. Không biết bao nhiêu hécta rừng đã bị xóa sổ.
Đưa cả gà, lợn vào rừng
Theo Vi Văn T, những khoảnh rừng nói trên trước đây là rừng nguyên sinh, do Nông trường Đồng Hợp quản lý, mới được giao về cho địa phương quản lý, nhưng chưa cấp sổ đỏ cho dân.
Lợi dụng tình trạng “giao thời”, hàng chục hộ dân đã tổ chức lực lượng vào rừng khai thác gỗ tuồn ra ngoài. “Người ta mở đường, rồi đưa cả gà, lợn vào làm thịt trong đó để chặt gỗ” – T cho hay. Rừng ở bản Tạt có nhiều loại cây, nhưng nhiều nhất là cây táu, một loại cho gỗ rất cứng.
Đi dọc đường bản Tạt, thấy nhiều nhà dân dưới sàn chất đầy gỗ quý. Có những cây chặt đã lâu, có những cây mới chặt, có những khúc gỗ tròn, gỗ xẻ.
Để kéo gỗ từ trong rừng ra, chỉ có những con trâu mộng cực khỏe và được huấn luyện thành thục mới đảm đương nổi. Ra đến chỗ có đường, gỗ được đưa lên xe đầu ngang hoặc công nông rồi tuồn ra ngoài.
Đến nhà mấy lần không gặp, phóng viên hỏi ông Nhân – Trưởng bản Tạt – qua điện thoại: “Cháu thấy dân khai thác gỗ từ trong rừng ra nhiều lắm, bác có biết không?”. Ông Nhân đáp: “Hình như là có đấy, nhưng tôi đang đi làm nơi khác”. Sau một lúc trò chuyện, tôi giới thiệu là nhà báo, ông Nhân nói: “Tui biết rồi. Tui cũng cảm ơn nhà báo”.
Bà vợ ông trưởng bản cho hay, cách đây khoảng hơn chục năm, dân bản Tạt vào rừng còn chặt được những cây gỗ lim đường kính hàng mét. Nhưng sau đó, rừng bản Tạt cứ cạn kiệt dần, và nay người dân đang cố “vét” hết những cây gỗ cuối cùng.
Rời bản Tạt, ra đường 48 thuộc địa phận xã Yên Hợp, chúng tôi bắt gặp một xưởng mộc với kho gỗ chất cao ngồn ngộn. Xa xa, những dãy núi xưa kia là đại ngàn nay đã bị cạo trắng hếu, ngọn khói đốt cây vẫn còn vương vấn.