ThienNhien.Net – Mới đây, tại một cuộc tọa đàm trực tuyến vì môi trường du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện với sự tham gia của các bộ, ngành và địa phương liên quan, một nội dung lớn được đã đưa ra bàn bạc, đó là đi tìm giải pháp khắc phục 6 nỗi sợ của du khách khi đến Việt Nam. Cụ thể là nỗi sợ bị chặt chém, sợ giao thông đi lại, sợ nạn ăn xin, ăn cắp vặt, sợ đồ ăn uống mất vệ sinh, sợ ô nhiễm môi trường và sợ thái độ của những người làm du lịch, hoạt động dịch vụ du lịch. Vấn nạn này tồn tại đã nhiều năm, ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu du lịch Việt Nam.
Người đứng đầu Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng thừa nhận rằng, những năm qua chính sách cải thiện du lịch không thiếu, nhưng tình hình du lịch hiện nay vẫn chưa được cải thiện. Nguyên nhân là do khâu thực hiện còn yếu. Mà việc để những vấn nạn về môi trường du lịch tồn tại quá lâu ấy, lỗi đầu tiên là do người đứng đầu các địa phương…
Lâu nay, công tác quản lý du lịch tại các địa phương cũng thường trông chờ vào những Chỉ thị được ban hành từ trên xuống. Nói đâu xa, ngay tại Thủ đô văn hiến, tình trạng du lịch không an toàn kéo dài đã quá lâu. Có một dạo, người dân Thủ đô (chứ chưa nói đến du khách) rất sợ đội quân đánh giầy dạo trên phố.
Ngồi uống ly café hoặc trà đá vỉa hè, vui chuyện rồi tiện thể đánh giầy thì rất dễ gặp hai trường hợp sau: nếu là giầy dép xịn, thì sẽ “một đi không trở lại”; giầy dép tầm tầm thì sẽ bị tính thêm tiền dán đế, dán quai… trong khi giầy dép trước khi đưa đi làm đẹp vẫn còn ngon. Thế bảo sao người ta chả cảnh giác với đội quân đánh giày dạo là vậy!
Bẵng đi được một dạo, gần đây đánh giầy kiểu chặt chém lại xuất hiện. Giá đánh giầy trung bình hiện nay khoảng 10 ngàn đồng/đôi, nếu sửa chữa thêm đơn giản cũng chỉ thêm vài chục ngàn. Thế nên việc ép khách phải trả hàng trăm ngàn như trường hợp của du khách người Úc vừa gặp phải trên phố Hàng Đào- Hoàn Kiếm- Hà Nội chính là một hình thức cướp giật, còn hơn cả lừa đảo…
Tệ hơn, người Hà Nội làm du lịch cũng vẫn mang tâm lý “chém” khách Tây. Một bác đạp xe xích lô bảo đi từ Hoàng Thành Thăng Long về phố Bà Triệu, nếu là khách Việt thì chỉ lấy giá 100 ngàn đồng/ cuốc… Nhưng là khách Tây, phải là 300 ngàn đồng/ cuốc. Sao lại lấy họ đắt hơn nhiều thế? À, là vì Tây họ nhiều tiền hơn mà…
Có những du khách nước ngoài bị chém đẹp, sau khi hiểu chuyện thì họ thà trả tiền để tránh rắc rối, lôi thôi. Nhưng cũng có rất nhiều người trong số họ không chấp nhận được kiểu làm du lịch xổi ấy, song họ lại không biết phải phản ánh với ai, ở đâu? Chúng tôi đã hỏi một số du khách quanh Bờ Hồ rằng họ có biết đường dây nóng hỗ trợ khách du lịch 0946791955 không? Nhiều người lắc đầu bảo không biết. Bấm số điện thoại gọi vào đường dây nóng, thật mừng là có người nhấc máy ngay, thái độ tiếp nhận thông tin cũng như trả lời người ở đầu dây gọi rất nhã nhặn.
Vậy đường dây nóng ấy đã tiếp nhận những phản ánh gì? Tìm hiểu được biết du khách gọi đến đường dây nóng đa phần phản ánh việc bị chặt chém khi đi taxi, doanh nghiệp du lịch không thực hiện đúng thỏa thuận với du khách. Trong năm 2014, bộ phận đường dây nóng đã tiếp nhận 60 vụ trình báo khiếu nại của du khách. Trong 6 tháng đầu năm 2015, số vụ trình báo qua đường dây nóng đã giảm đi.
Tất nhiên, tiếp nhận phản ánh qua đường dây nóng giảm thì chưa hẳn là một tín hiệu vui với ngành du lịch Thủ đô. Bởi rất có thể nhiều khách du lịch đã không được các hãng lữ hành cung cấp số điện thoại đường dây nóng. Như vậy cũng có thể gọi đó là sự không minh bạch.
Làm du lịch an toàn, có trách nhiệm, thân thiện với môi trường… hiểu nôm na chính là làm du lịch “sạch”. Cái sự “sạch” ấy chắc chắn sẽ kéo theo sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Còn lâu nay ta đang làm du lịch kiểu “ăn xổi ở thì”. Đi và đến những địa danh du lịch vừa manh nha phát triển, có một sự thực là chưa hẳn du lịch tự phát đã là dở. Người dân làm du lịch sinh thái có ý thức trong việc giữ chữ tín và giữ gìn môi trường sống. Người dân tự bỏ tiền túi làm du lịch lại thường trọng khách đến nhà. Họ không ngại ngần chia sẻ về cuộc sống còn khốn khó nhưng sẵn sàng giúp khách du lịch trong khả năng họ có thể làm được. Còn trong mắt du khách nước ngoài, những địa danh còn hoang sơ, con người thân thiện luôn là điểm đến hấp dẫn.
Mới đây trở về từ bãi biển Thiên Cầm (Hà Tĩnh), chúng tôi đã có nhiều ấn tượng tốt đẹp với những người dân nơi này. Họ cho biết mùa du lịch ở đây chỉ rộ lên 3 tháng trong năm, thời điểm còn lại họ đi biển, đi làm đồng, làm nhiều nghề khác để kiếm sống. Những người dân làm du lịch cũng tự nguyện tặng quà cho du khách để làm kỷ niệm lúc chia tay. Và chính họ- mỗi người dân đã trở thành một đại sứ du lịch quảng bá cho quê hương của mình.
Vì thế, muốn làm du lịch sạch, trước hết phải trông chờ vào những đại sứ thiện chí này. Việc có thành công hay không, một phần lớn phụ thuộc vào nhận thức của cộng đồng, song hành với đó là năng lực quản lý của mỗi địa phương.