ThienNhien.Net – Thông thường, hoạt động giám sát động vật hoang dã thường được tiến hành ở cấp quốc gia bằng cách đếm số cá thể trong phạm vi lãnh thổ quốc gia để đánh giá hiện trạng loài. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cho rằng đây không phải là một cách tiếp cận hợp lý.
Theo các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và các nhà quản lý bị giới hạn thẩm quyền trong đường biên giới quốc gia, còn các loài động vật hoang dã thì không. Nói cách khác, chúng có thể di chuyển từ nước này sang nước khác.Vì vậy, các cuộc điều tra độc lập bởi các quốc gia láng giềng có thể tính đếm trùng lặp, dẫn đến thổi phồng kết quả đánh giá.
Để biết được mức độ “thổi phồng” số liệu nghiên cứu do động vật hoang dã “vượt biên”, nhóm nghiên cứu đã xem xét một chương trình giám sát gấu nâu ở Na Uy. Từ năm 2009 đến 2013, nhóm nghiêm cứu đã thu thập và phân tích tổng quát 843 mẫu lông và phân gấu, từ đó xác định được 105 con gấu cái.
Các mẫu nghiên cứu được thu thập hầu hết ở phía đông Na Uy, giáp biên giới Thụy Điển, Phần Lan và Nga. Theo quan sát, 20 con gấu cái và 54 con gấu đực được phát hiện trong chương trình tại Na Uy cũng xuất hiện trong kết quả điều tra ở Thụy Điển, chứng minh sự di chuyển “xuyên biên giới”của những chú gấu. Nhóm nghiên cứu cũng ước tính khoảng 30-49% con cái được phát hiện ở Na Uy lại chủ yếu “hoạt động” trên lãnh thổ của những quốc gia khác.
Các nhà nghiên cứu đã cho chạy các mô hình khác nhau để ước tính quy mô quần thể loài. Theo đó, một mô hình không tính đến yếu tố biên giới đã “thổi phồng” khoảng 72% lên tới 119 % ước tính số lượng gấu nâu ở Na Uy. Cụ thể, mô hình này ước tính có 73 gấu nâu cái ở Na Uy vào năm 2013, trong khi một mô hình khác có tính đến yếu tố biên giới chỉ ghi nhận có 35 cá thể.
Mặc dù những “vị khách” trên đều giúp cải thiện đa dạng sinh học và tác động đến hệ sinh thái dù đó có là nơi cư trú ban đầu hay không, các quốc gia láng giềng nên hợp tác nghiên cứu để tránh ước tính trùng lặp, đặc biệt là với những quốc gia nhỏ, theo khuyến cáo của các nhà khoa học.