Bài 1: Không quyết liệt, khó hoàn thành
ThienNhien.Net – Trước tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xảy ra ở khu đô thị đông dân cư, năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 64/QĐ-TTg phê duyệt “Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”. Kế hoạch được chia nhiều giai đoạn tổ chức thực hiện, song đến nay kết quả đạt được rất khiêm tốn, thậm chí nhiều địa phương vẫn “dậm chân tại chỗ”. Vậy, đâu là “rào cản” đối với một chủ trương hợp lòng dân đi vào cuộc sống?
Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), việc xử lý các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt với khu vực công ích do các biện pháp như: Đình chỉ hoạt động hay xử phạt hành chính không khả thi, trong khi việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở trong việc xử lý ô nhiễm chưa rõ ràng…
Tiến độ chậm…
Tháng 4-2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định (QĐ) 64/2003/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch đến năm 2007 tập trung xử lý 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đồng thời kiểm soát, hạn chế tốc độ gia tăng các cơ sở gây ô nhiễm khác trong phạm vi cả nước. Thời hạn đặt ra đến năm 2007 phải hoàn thành nhưng đến năm nay, tức là sau 8 năm triển khai vẫn còn hơn 100 cơ sở chưa xử lý; trong đó có 6 địa phương chưa có cơ sở nào được chứng nhận đã hoàn thành, 15 địa phương chậm triển khai rà soát và bổ sung các cơ sở gây ô nhiễm cần xử lý…
Hà Nội được Chính phủ ghi nhận có nhiều cố gắng khi đã di dời được 25 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi nội thành tính từ năm 2003 đến năm 2012. Cùng với thực hiện di dời cơ sở ô nhiễm môi trường theo QĐ của Thủ tướng, TP Hà Nội đã chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, lên danh sách 422 cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường và không đúng với quy hoạch để xây dựng kế hoạch, lộ trình di dời theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Thông báo số 184/TB-VPCP ngày 23-9-2009 của Văn phòng Chính phủ. UBND TP Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không còn phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và dân cư trên địa bàn. Ngay sau đó, Ban Chỉ đạo của TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch hoạt động, phân công trách nhiệm từng thành viên.
Nỗ lực, cố gắng, song kết quả mà Hà Nội đạt được vẫn còn rất khiêm tốn. Tại buổi khảo sát mới đây của Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP Hà Nội về lĩnh vực này, lãnh đạo Sở TN&MT thừa nhận, chủ trương di dời cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội thành rất đúng và trúng, nhưng kết quả đạt được còn rất thấp. Trong số 422 cơ sở (thuộc 17 ngành nghề) có 288 cơ sở tự khắc phục ô nhiễm. 134 cơ sở phải thực hiện di dời khỏi nội đô, nhưng đến nay mới có 41 cơ sở thực hiện. Đây cũng chỉ là con số thống kê đầu việc, hiện nay công tác rà soát vẫn đang được Sở TN&MT phối hợp với UBND các quận thực hiện. Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, đến ngày 31-7, các đơn vị phải có báo cáo rà soát nhưng đến ngày 30-8 mới có 15/30 đơn vị báo cáo.
Nhiều vướng mắc
Rút kinh nghiệm từ việc triển khai Quyết định 64/2003/QĐ-TTg, Bộ TN&MT đã thực hiện các bước đi bài bản, từ hướng dẫn phê duyệt danh mục, biện pháp xử lý các cơ sở ô nhiễm thuộc thẩm quyền của địa phương, đến việc quy định chế tài buộc cơ sở ô nhiễm lập kế hoạch chi tiết, triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và báo cáo các Sở TN&MT địa phương giám sát định kỳ 6 tháng/lần; đồng thời niêm yết kế hoạch xử lý tại trụ sở UBND địa phương nơi cơ sở hoạt động để theo dõi, giám sát…
Ngân sách địa phương cũng được ưu tiên dành hỗ trợ xử lý triệt để cơ sở ô nhiễm thuộc khu vực công ích. Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành đã được thực hiện quyết liệt, nhằm tạo áp lực mạnh buộc các cơ sở phải nghiêm túc thực hiện kế hoạch. Năm 2014, riêng Bộ TN&MT đã thanh tra 51 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, lập biên bản xử phạt hành chính 40 cơ sở với tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, trong khi các cơ sở sản xuất, dịch vụ gây ô nhiễm có nhiều chuyển biến thì việc xử lý các cơ sở ô nhiễm thuộc khu vực công ích trên thực tế gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, có đơn vị công ích không chấp hành quyết định xử phạt hành chính về bảo vệ môi trường, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Trong khi đó, việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở công ích trong việc này lại chưa rõ ràng. Nhiều Sở Y tế địa phương không nắm rõ trách nhiệm và nội dung cần triển khai để xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do mình quản lý. Trong khi đó, chính quyền lại thiếu quyết liệt vì nhiều lý do như tâm lý e ngại ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nên mặc dù đã có đủ chế tài xử lý nghiêm hành vi không thực hiện đúng nội dung, yêu cầu, tiến độ xử lý ô nhiễm môi trường, vẫn… ách tắc.
Một nguyên nhân nữa là nhiều địa phương chưa chủ động xây dựng dự án và quan tâm bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà vẫn có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của trung ương. Ngược lại, dự án được đầu tư, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách trung ương lại chậm tiến độ do địa phương không bố trí hoặc bố trí không đủ kinh phí đối ứng; công trình được đầu tư nhưng đơn vị thụ hưởng không duy trì, vận hành dẫn đến lãng phí, hiệu quả thấp, ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Thậm chí, qua thanh tra, kiểm tra, còn phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật…
Khảo sát thực tế tại Hà Nội, quận Hai Bà Trưng, sau nhiều năm vận động, đôn đốc và cả sự chủ động của doanh nghiệp, nhưng đến nay mới có 14/41 cơ sở đã và đang di dời. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Lâm Anh Tuấn, việc di dời đã khó khăn, nhưng sau di dời, nhiều khu đất thuộc doanh nghiệp nhà nước sử dụng kém hiệu quả, cho thuê lại, chuyển nhượng trái pháp luật, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Vì thế, sau khi doanh nghiệp di dời, thành phố sớm bố trí đất để xây dựng các công trình mà địa phương đang thiếu như trường học, nhà văn hóa, trụ sở cơ quan hành chính…