ThienNhien.Net – Sau hơn hai năm triển khai Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và gần 10 năm thực hiện Luật Bảo vệ và phát triển rừng, đến nay tiến độ thực hiện ở Kon Tum vẫn còn chậm, bởi phá rừng chuyển đổi sang các mục đích khác thì dễ, nhưng để trồng lại được rừng thì gặp rất nhiều khó khăn.
Dễ chuyển đổi, khó trồng lại rừng
Từ năm 2006 đến nay, tỉnh Kon Tum có 64 dự án đầu tư sử dụng đất lâm nghiệp có rừng phải chuyển đổi mục đích khác với tổng diện tích chuyển đổi gần 13.600 ha, nhưng các chủ đầu tư đều chọn phương án nộp tiền vào quỹ phát triển rừng của địa phương, mà không trực tiếp thực hiện việc trồng rừng thay thế, với tổng số tiền phải nộp vào Quỹ bảo vệ, phát triển rừng tỉnh Kon Tum là gần 69 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay mới có 18 đơn vị (22 dự án) nộp đầy đủ; sáu đơn vị (14 dự án) đã nộp một phần, còn lại sáu đơn vị (bảy dự án) chưa nộp tiền trồng rừng thay thế, với tổng số tiền hơn 28 tỷ đồng, bằng hơn 40% số tiền phải nộp.
Do chưa thu được tiền trồng rừng thay thế từ các chủ đầu tư cho nên trước năm 2013, tỉnh Kon Tum chưa thực hiện việc trồng rừng thay thế. Năm 2014, UBND tỉnh Kon Tum đã mượn tiền từ nguồn dịch vụ môi trường rừng để hoàn thành chỉ tiêu trồng 500 ha rừng thay thế mà Bộ NN&PTNT giao. Năm 2015, tỉnh Kon Tum lập phương án 1.693,74 ha (còn 10 dự án chưa lập phương án trồng rừng thay thế) và giao chỉ tiêu 815 ha cho các đơn vị trồng rừng thay thế.
Không chỉ khó khăn vì thiếu tiền để trồng rừng, mà khi đã có tiền, việc trồng rừng cũng không đơn giản. Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Đác Tô được giao quản lý hơn 41.000 ha. Theo quy hoạch, công ty hiện vẫn còn khoảng 5.500 ha đất trống, trong đó diện tích có thể trồng rừng khoảng 3.000 ha. Tuy nhiên theo ông Lê Tiến Chinh, Phó Giám đốc công ty, số diện tích này nằm phân tán ở 14 xã của ba huyện là Đắc Tô, Tu Mơ Rông, Sa Thầy và phần lớn diện tích đang bị người dân lấn chiếm để sản xuất. Năm 2014, công ty được giao trồng 200 ha, và năm nay được giao 500 ha rừng thay thế. Để hoàn thành chỉ tiêu, đơn vị đã khoán cho các hộ dân trong khu vực trồng, chăm sóc và đến hết thời hạn chăm sóc thì chuyển sang giao khoán cho người dân để họ được hưởng lợi về dịch vụ môi trường rừng. Mặc dù có lợi ích “ba trong một”, nhưng không phải hộ gia đình nào cũng hưởng ứng việc trồng rừng. Tuy là đất của Nhà nước nhưng để đòi lại đất là công việc tốn rất nhiều thời gian và công sức, thường phải mất từ sáu tháng đến một năm để vận động người dân trả lại đất và nhận giao khoán trồng rừng.
Tương tự, Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Kon Plong đang quản lý hơn 64.000 ha diện tích đất lâm nghiệp. Giám đốc Công ty Vũ Văn Bắc cho biết: Số diện tích tập trung có thể trồng rừng của công ty còn khoảng 200 ha thuộc lâm phần của lâm trường Măng Buk quản lý, nhưng hiện nay người dân làm đồng cỏ chăn thả gia súc. Đây là đất trống, trước đây đã được trồng cây keo nhưng bị chết (mất rừng) nên bây giờ muốn trồng lại thì phải làm lại hồ sơ để xóa diện tích đã trồng rừng bằng cây keo trước đây. Năm 2014, công ty được giao chỉ tiêu trồng 106 ha rừng thay thế, do không có đất cho nên theo gợi ý của UBND huyện Kon Plông, công ty đã phối hợp chính quyền xã Pờ Ê trồng 80 ha rừng thay thế dọc theo quốc lộ 24. Đây là số diện tích đất lâm nghiệp do xã Pờ Ê quản lý nhưng người dân đang chiếm dụng sản xuất. Sau khi trồng được hơn hai tháng, gần như toàn bộ diện tích này đã bị người dân chặt phá để lấy đất trồng sắn. Sau đó, UBND huyện hứa sẽ cấp đất nơi khác cho bà con sản xuất thì số diện tích rừng này mới được bà con trồng lại, nhưng công ty phải chịu thiệt hại về cây giống khoảng hơn 200 triệu đồng.
Cần có những quy định cụ thể về trồng rừng thay thế
Trồng rừng là hoạt động có tính thời vụ cao. Tại các tỉnh Tây Nguyên, thời vụ cao điểm của trồng rừng diễn ra trong tháng 7 và tháng 8 của mùa mưa. Nhưng năm 2015, đến tháng 5 và tháng 6, tỉnh mới giao kế hoạch trồng rừng, vì vậy gây nhiều khó khăn cho tổ chức thực hiện. Trong khi đó thủ tục thực hiện trồng rừng theo quy định (Quyết định số 73/QĐ-TTg, ban hành quy chế đầu tư xây dựng lâm sinh) rất phức tạp, từ lập dự án, phê duyệt dự án, đến lập kế hoạch đấu thầu, phê duyệt kế hoạch đấu thầu… mất rất nhiều thời gian, cho nên các chủ dự án thường bị động trong công tác trồng rừng và quyết toán vốn đầu tư.
Một khó khăn khác là vốn. Theo các đơn vị trồng rừng, vốn đầu tư trồng rừng thay thế vẫn chưa được tính đúng, tính đủ theo định mức kinh tế kỹ thuật và giá cả thị trường. Hiện mức lương tối thiểu xây dựng dự toán đầu tư trồng rừng thay thế vẫn tính theo mức 1.050.000 đồng/tháng là chưa đáp ứng được ngày công của người lao động nên khó thu hút người lao động tham gia trồng rừng. Thông thường từ khi trồng rừng xong đến khi được nghiệm thu kéo dài từ năm đến sáu tháng, trong khi đó các đối tượng nhận trồng rừng chủ yếu là các hộ gia đình đồng bào người dân tộc thiểu số nghèo, cho nên việc thanh toán tiền chậm ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Hầu hết các dự án chuyển đổi rừng ở Kon Tum là rừng tự nhiên có giá trị lớn về lâm sản và sinh thái, nhưng rừng trồng lại chủ yếu là rừng sản xuất, phòng hộ. Điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước đang mất đi một nguồn tài nguyên về rừng tự nhiên mà phải mất hàng trăm năm mới có thể tái tạo được. Vì vậy, cần có những quy định cụ thể hơn về trồng rừng thay thế để không những trồng lại được diện tích rừng đã chuyển đổi mà còn làm tăng giá trị của rừng được trồng thay thế. Cần quy định đối với các dự án đầu tư có chuyển đổi rừng, nếu chưa xây dựng được phương án trồng rừng thay thế thì chưa được khởi công dự án. Tránh tình trạng như hiện nay, nhiều chủ dự án viện cớ khó khăn trong kinh doanh hoặc chưa đi vào hoạt động nên xin khất hoặc không chịu nộp tiền trồng rừng thay thế, hoặc một số dự án đã bán lại cho các chủ đầu tư khác gây khó khăn cho việc thu tiền trồng rừng thay thế.