ThienNhien.Net – Những đống quặng sắt, mangan không tiêu thụ được với khối lượng lên đến 30 vạn tấn. Quặng tồn kéo theo những hệ lụy lớn tác động đến kinh tế, xã hội ở nhiều địa phương tại tỉnh Hà Giang.
Quặng sắt: Tồn từng đống chất cao như núi
Những năm trở lại đây, khi nhà nước có những chính sách thắt chặt, tăng thuế phí, công thêm nền kinh tế thế giới khó khăn nên ngành khai mỏ ở Hà Giang nói riêng và cả nước nói chung găp nhiều khó khăn, nhất là quặng sắt và mangan, angtimon.
Chúng tôi có mặt ở Hà Giang vào cuối tháng 8, khi Hội doanh nghiệp tỉnh đã có báo cáo và kiến nghị lên tính để tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn mà các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác mỏ đang gặp phải, cũng như những hệ luy rất lớn đang diễn ra.
Theo kiến nghị của Hội doanh nghiệp tỉnh Hà Giang, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang tồn đọng khoảng 30 vạn tấn quặng sắt và mangan. 15/18 công ty hoạt động trong lĩnh vực này đã đóng cửa mỏ, nhà máy đắp chiếu, hàng nghìn công nhân mất việc làm.
Khảo sát thực tế tại mỏ sắt Lũng Giầy, xã Thuận Hòa, Huyện Vị Xuyên, đây là mỏ sắt của Công ty CP Đ.S, cách đây hơn chục năm, Công ty đã đưa dây chuyền trị giá hàng chục tỷ đồng cùng khoảng 60 công nhân vào vận hành mỏ, nhưng đến cuối năm 2014 Công ty buộc phải đóng cửa, sau đó giải quyết chế độ cho gần hết số cán bộ công nhân, chỉ giữ lại vài người trong thành phần Ban giám đốc.
Do đã đóng cửa nên khu vực vắng tanh không một bóng người, chiếc ghế và quạt điện mà theo lãnh đạo công ty là người bảo vệ hay dùng cũng mốc meo, bám đầy mạng nhện. Đó cũng là tình cảnh chung của những cỗ máy móc, thiết bị lên đến hàng chục tỷ của công ty đang nằm đắp chiếu chờ hoen gỉ.
Theo lãnh đạo công ty Đ.S, “Bây giờ chỉ cần sửa bôi dầu mỡ để chỗ máy móc này hoạt động trở lại cũng đã mất vài tỷ rồi. Chưa kể những người nằm trong ban giám đốc hàng tháng công ty vẫn trả lương, trong khi cả khu mỏ không hoạt động, tiền vay ngân hàng để đầu tư công ty phải trả lãi.
Ngoài đống máy móc, thiết bị ngừng hoạt động hoàn toàn từ cuối năm 2014 thì Công ty Đ.S còn đang tồn khoảng 30.000 tấn quặng sắt đã qua tuyển. Từng đống chất cao như núi, nhiều đến nỗi công ty không còn mặt bằng để chứa quặng nữa nên phải dừng hoạt động.
Ở Hà Giang ngoài mỏ Lũng Giầy tồn quặng sắt, còn mỏ Túng Bá thuộc một tập đoàn thép lớn nhiều năm qua cũng phải hoạt động cầm chừng, khu vực chứa quặng của công ty tại km11 (cây số 11 tính từ trung tâm tỉnh Hà Giang về Hà Nội) vẫn đang chất đống cao như núi. Theo một cán bộ văn phòng của công ty, hiện công ty đang hoạt động 50% công suất so với trước đây khoảng một nửa số công nhân của công ty đã phải nghỉ việc.
Angtimon: Sản xuất cầm chừng chờ đóng cửa
Không riêng gia quặng sắt, một loại khoán sản khác có giá trị ở Hà Giang từ trước đến nay chủ yếu khai thác để xuất khẩu sang Nhật cũng gần như chịu chung cảnh ngộ là angtimon.
Khu mỏ Angtimon Mậu Duệ “nổi tiếng” một thời về tình trạng người dân địa phương tham gia mót quặng thì nay tại xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh đã vắng bóng người mót. Cách đây vài năm khi qua đây người dân có thể chứng kiến hàng chục, thậm chí hàng trăm người dân địa phương theo chân những chiếc xe tải đổ thải ven khu mỏ để mót.
Đó là công việc kiếm sống, là nguồn thu nhập chính của hàng trăm con người, nay mỏ sản xuất cầm chừng người dân gần như đã mất việc, đồng nghĩa với việc nguồn thu của họ cũng không còn, buộc họ phải chắt chiu hơn trong cuộc sống đầy gian khó ở vùng đất cao nguyên toàn đá và đá này.
Ông Đào Xuân Tuất, Phó giám đốc Cty CP cơ khí và khoáng sản Hà Giang, chủ đầu tư khai thác mỏ angtimon Mậu Duệ – cho biết: “Tình trạng mót quặng không còn do giá thấp không ai mua. Người dân địa phương đã chuyển sang làm các công việc khác như đi chợ phiên bán hàng, làm ruộng, trồng ngô để trang trải cuộc sống”.
Được biết, mỏ Angtimon nằm ở xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, khi thăm dò khai thác có trữ lượng khoảng 330.000 tấn và đã đi vào khai thác từ năm 1996 cho đến nay. Công nhân trong nhà máy chủ yếu là người dân địa phương chiếm 135/185 công nhân của công ty, riêng công nhân tại huyện Yên Minh là 72 người, trước đây thời điểm nhiều công nhân nhất khoảng 230 người, lao động thời vụ cũng rất nhiều. Thu nhập bình quân của công nhân khi nhà máy hoạt động bình thường khoảng 6 triệu/ tháng.
“Từ đầu năm đến nay do giá cả xuống thấp nên công ty sản xuất cầm chừng. Nguyên nhân do giá angtimon giảm sâu. Ngoài ra thuế phí của nhà nước đánh cao, riêng thuế tài nguyên từ 10 – 18%. Nguyên nhân giảm giá nữa là do thị trường của thế giới. Khó khăn vì đầu ra phụ thuộc theo nhu cầu.
Nếu cứ như thế này sẽ không tổ chức sản xuất vì bị lỗ. Kế hoạch năm 2015 sản xuất khoảng 700 tấn nhưng đến thời điểm cuối tháng 8.2015 mới đạt khoảng 20% kế hoạch” – ông Tuất cho biết thêm.