ThienNhien.Net – Các rừng mưa nhiệt đới trên thế giới hiện đang là nơi cư trú của khoảng 40.000 đến 53.000 loài thực vật, theo một nghiên cứu xuất bản trên Tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ (Proceeding of theNational Academy of Science – PNAS).
Thông qua phân tích dữ liệu của 657.000 cá thể thực vật thuộc 11.371 loài, Tiến sĩ Ferry Slik thuộc đại học Brunei Darusallam cùng 140 nhà nghiên cứu khác đã ước tính mức độ đa dạng của thực vật tại 3 vùng nhiệt đới chính: Châu Á – Thái Bình Dương,Châu Mỹ và Châu Phi. Từ đó, theo kết luận của nhóm nghiên cứu, Châu Á và châu Mỹ có thành phần thực vật phong phú nhất.
Khác với các kết quả nghiên cứu trước đó, số loài thực vật được đưa ra cao hơn do bao gồm cả các khu rừng nhiệt đới khô. Nghiên cứu này cũng đưa ra kết luận khác: Châu Á và Châu Mỹ cùng có mức đa dạng thực vật tương đương nhau với ít nhất khoảng 19.000 – 25.000 loài cây, trong khi đó, lục địa Châu Phi lại tương đối nghèo nàn với chỉ khoảng 4.500 – 6.000 loài cây. Nhóm nghiên cứu cũng lý giải về đa dạng thực vật ở các khu vực. Theo đó, các yếu tố ảnh hưởng quan trọng bao gồm địa hình, địa lý và lịch sử địa chất.
Châu Á – Thái Bình Dương và Châu Mỹ có tỷ lệ thay thế loài (species turnover: Sự thay đổi trong thành phần loài khi một số loài tuyệt chủng và các loài khác du nhập thay thế – Theo Biology-forum.com)tương đương với sự gia tăng khoảng cách địa lý giữa các khu vực có loài được thay thế. Kết quả này trái ngược vớiquan điểm cho rằng vùng Tân Nhiệt đới (Neotropic) là khu vực đa dạng thực vật nhiệt đới nhất… Việc đánh giá thấp mức độ đa dạng loài tại Châu Á – Thái Bình Dương trước đây, cùng với việc bao quát cả rừng khô, rừng ẩm và rừng mưa nhiệt đới vào nghiên cứu này có thể giải thích cho sự khác biệt giữa các kết quả nghiên cứu. Tuy vậy, cũng dễ hiểu tại sao khu vực này có được sự đa dạng thực vật đến thế bởi lẽ đó là nơi hội tụ nhiều yếu tố: địa hình đa dạng, lịch sử địa chất phức tạp, biến động môi trường, giao lưu thực vật từ Madagascar, Ấn Độ, Đông Nam Á và New Guinea – Úc và diện tích rừng rộng lớn tồn tại trong một thời gian dài.
Châu Phi có tỷ lệ thay thế loài tương đối thấp. Không thể vin vào các nguyên nhân như diện tích rừng nhỏ hay môi trường kém phong phú để giải thích cho sự khác biệt trong đa dạng và thay thế loài theo không gian của lục địa Đen. Thay vào đó, sự chênh lệch này là một minh chứng cho giả thiết về một số đợt tuyệt chủng do thu hẹp diện tích rừng trong thời kỳ đồ đá cũ tại Châu Phi. Cùng với ảnh hưởng của khoảng cách địa lý, những cánh rừng này chỉ còn lại một số lượng thực vật hạn chế tiếp tục sinh sôi và phát triển đến ngày nay. Trong khi cùng khoảng thời gian đó,vùng nhiệt đới ở Châu Mỹ vẫn duy trì được độ che phủ cao, còn rừng xích đạo của Châu Á – Thái Bình Dương thậm chí còn được mở rộng.
Mặc dù kém đa dạng các loài cây hơn so với các khu vực khác, Châu Phi vẫn vượt xa Châu Âu khi châu lục này chỉ sở hữu rừng thay lá với 124 loài, và Bắc Mỹ, nơi chỉ có chưa đến 1.000 loài. Tuy nhiên đa dạng sinh học không hề tương quan với sự phong phú về loài, các tác giả khẳng định.