ThienNhien.Net – Theo dự báo, đến năm 2050, nguồn nước toàn cầu sẽ vẫn đủ cho hoạt động sản xuất lương thực nuôi sống 9 tỷ người dân. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng quá mức, suy thoái nguồn nước và biến đổi khí hậu sẽ nhiều khu vực, đặc biệt là các nước đang phát triển lâm vào tình trạng khan hiếm nguồn nước. Đó là cảnh báo của Tổ chức LHQ về Lương thực và Nông nghiệp (FAO) và Hội đồng Nước Toàn cầu (WWC) trong một báo cáo được công bố mới đây.
FAO và WWC đã cùng kêu gọi các chính sách và đầu tư vào các ngành công – tư nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, giúp xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập và đảm bảo an ninh lương thực cho người dân sống tại các khu vực nông thôn và cả thành thị.
“Trong một kỉ nguyên của những thay đổi chóng mặt không tuân theo quy luật, khả năng cung cấp nguồn lương thực đầy đủ, an toàn và đảm bảo dinh dưỡng một cách bền vững và cân bằng là cần thiết hơn bao giờ hết. Tài nguyên nước – một thành tố không thể thiếu đang phải chịu áp lực từ nhiều mục đích sử dụng, bị suy thoái bởi quản lý yếu kém, năng lực không tương xứng và không được đầu tư thỏa đáng,” bà Maria Henena Semedo, Phó Giám đốc FAO kiêm Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên khẳng định.
Nông nghiệp sẽ vẫn đứng đầu trong sử dụng tài nguyên nước
Tính đến năm 2050, dân số toàn cầu sẽ cần thêm khoảng 60% lương thực – con số có thể lên tới 100% ở các nước đang phát triển. Trong khi đó, nông nghiệp tiếp tục là ngành tiêu thụ nhiều nước nhất trên thế giới, với khoảng 2/3 nguồn cung từ các con sông, ao hồ và nước ngầm. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp sẽ còn phải chịu thách thức lớn hơn nữa khi nguồn nước ngày càng sụt giảm bởi nhu cầu từ các thành phố và ngành công nghiệp.
Vì vậy, các nông dân, đặc biệt là các hộ sản xuất nhỏ sẽ phải tìm cách tăng sản lượng trong điều kiện đất đai và nguồn nước hạn chế bằng công nghệ và cách thức quản lý.
Hiện nay, vấn đề thiếu nước đã ảnh hưởng tới hơn 40% dân số, con số dự kiến sẽ tăng lên 2/3 vào năm 2050 khi sản xuất lương thực và nông nghiệp tiếp tục tiêu thụ lượng nước vượt quá khả năng phục hồi tự nhiên của nước ngầm. Thêm vào đó, tình trạng thâm canh tăng vụ trong nông nghiệp, phát triển nóng của ngành công nghiệp và thành thị khiến nguồn nước hiện tại dần bị ô nhiễm trầm trọng.
Những biện pháp hỗ trợ nông dân tăng sản lượng lương thực đồng thời giảm tiêu thụ nguồn nước– bao gồm nghiên cứu nguồn gen mới cho hoa màu và gia súc đang ngày càng trở nên bức thiết. Theo FAO và WWC, vấn đề quan trọng là trao quyền cho người nông dân quản lý tốt hơn các rủi ro liên quan đến nguy cơ thiếu hụt nguồn nước. Cần kết hợp các nguồn đầu tư công – tư và các tập huấn hỗ trợ để làm được điều đó.
Thêm vào đó, để giải quyết vấn đề suy thoái nguồn nước và nước thải, các cơ quan cấp nước cần minh bạch hơn trong phân bổ nguồn nước và cơ chế định giá. Hơn nữa, quyền sử dụng tài nguyên nước cần phải được phân bổ một cách công bằng và đồng bộ.
Đặc biệt, vai trò của phụ nữ, lao động nông nghiệp chính tại Châu Phi và Châu Á cần phải được thúc đẩy trong công cuộc đảm bảo an ninh đất đai, an ninh nguồn nước và tiếp cận tài chính.
Ứng phó với biến đổi khí hậu
Hiện tượng nóng lên toàn cầu bao gồm thay đổi lượng mưa và nhiệt độ bất thường, tần suất dầy đặc của các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lốc xoáy sẽ tác động nhiều hơn đến nông nghiệp và đặc biệt là nguồn nước. Trong tương lai, băng tan cũng đe dọa các khu vực miền núi, nguồn cung cấp tới 80% lượng nước trên toàn cầu.
Trong báo cáo, FAO và WWC đã lên tiếng kêu gọi các chính sách và đầu tư tăng cường thúc đẩy các thích ứng ở cấp lưu vực và hộ gia đình, ví dụ như cải thiện các phương thức tích trữ nước, xử lý và tái sử dụng nước thải, cũng như nghiên cứu hệ thống sản xuất nông nghiệp có khả năng thích ứng cao cho các hộ gia đình.
Diễn đàn Nước Thế giới lần 7 với chủ đề: “Nước tương lai của chúng ta” (12-17/04/2015) là sự kiện toàn cầu lớn nhất nhằm tìm ra giải pháp cho những thách thức đối với tài nguyên nước toàn cầu. Bên cạnh báo cáo phối hợp cùng WWC, FAO cũng hợp tác với nhiều đối tác khác và đưa ra một loạt các hướng dẫn và khuyến nghị chính sách nhằm cải thiện quản trị nước ngầm trong Khung Hành động Toàn cầu và Tầm nhìn cho đến 2030 sau Diễn đàn.
“Đây chính là thời điểm thích hợp để nhìn lại các chính sách công, khung đầu tư, cấu trúc quản lý và các thể chế. Chúng ra đang tiến đến kỉ nguyên phát triển hậu 2015 và cần phải đánh dấu bằng những cam kết mạnh mẽ”, Bà Maria Henena Semedo nhấn mạnh.