ThienNhien.Net – Nhiều động vật ăn cỏ lớn trên trái đất bao gồm các loài voi, tê giác, hà mã và khỉ đột đang lâm nguy do nạn săn bắn trái phép và môi trường sống bị thu hẹp. Nếu tiếp tục xu hướng hiện tại, số lượng loài suy giảm không chỉ ảnh hưởng đến chính loài đó mà còn tác động đến các loài động vật khác, đến môi trường cũng như hệ sinh thái.
Đó là kết luận của nghiên cứu được công bố mới đây trên Tạp chí Science Advances do GS. Blaire Van Valkenburgh, Đại học California (Mỹ) và các cộng sự thực hiện.
Một trong những nguyên nhân mấu chốt phía sau nạn săn bắt là số tiền khổng lồ mà những kẻ săn trộm kiếm được từ việc buôn bán trái phép các bộ phận của động vật hoang dã làm hàng hóa tiêu dùng và thực phẩm. Điển hình là sừng tê giác với giá trị lớn hơn vàng, kim cương, thậm chí cocain (giá sừng tê giác tại Châu Á vào năm 2014 lên tới hơn 60.000$/kg, theo ghi nhận của Thời báo Bloomberg).
Chính lợi nhuận khổng lồ từ thị trường buôn bán bất hợp pháp này đã khiến số voi rừng giảm đi 62% trong khoảng 2002-2011, hơn 1/5 số voi savannah ngoài tự nhiên (tương đương hơn 100.000 con) bị săn bắt trái phép chỉ trong vòng 3 năm, từ 2010-2012. Còn số tê giác bị giết hại thì tăng vọt từ 13 cá thể vào năm 2007 lên tới 1004 cá thể vào năm 2013.
Ngay cả những nhà nghiên cứu cũng ngạc nhiên trước số liệu báo cáo đưa ra: 60% loài ăn cỏ lớn hơn hoặc bằng tuần lộc đang bị đe dọa. Giáo sư Van Valkenburgh cho biết chỉ còn lại vài thập kỉ cho những loài động vật lớn nhất như voi và tê giác, và 80-100 năm cho những loài còn lại tồn tại. Cho dù vẫn còn vài cá thể voi hay tê giác sót lại ở Châu Phi, chúng cũng sẽ chết dần mòn khi hệ sinh thái đã mất cân bằng.
Theo GS. Van Valkenburgh, những nỗ lực bảo tồn hàng thập kỷ qua đang bị đảo ngược bởi sự thâm nhập của các nhóm tội phạm có tổ chức vào thị trường ngà và sừng. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, thì trong vòng 10 năm tới thế giới sẽ chỉ còn lại rất ít hoặc không còn con voi savannah nào và tê giác Châu Phi cũng sẽ hoàn toàn tuyệt chủng trong vòng 20 năm tới.