ThienNhien.Net – Quốc hội Lào vừa thông qua Thỏa thuận nhượng quyền xây dựng công trình thủy điện gây nhiều tranh cãi Don Sahong, dự kiến sẽ khởi công cuối năm nay.
Theo xác nhận của ông Daovong Phonekeo,Tổng Giám Đốc Cục Kế hoạch và Chính sách Năng lượng thuộc Bộ Năng lượng và Khoáng Sản Lào, Quốc hội Lào đã bật đèn xanh cho thỏa thuận nhượng quyền xây dựng đập Don Sahong với Tập đoàn MegaFirst của Malaysia.
Thỏa thuận mua điện giữa Công ty điện lực quốc doanhElectricite du Laos và Tập đoàn này cũng đang chờ kí kết và dự án sẽ được khởi công cuối năm nay, ông Daovong Phonekeo cho biết thêm.
Con đập với công suất 260 Megawatt nằm cách biên giới Campuchia khoảng 2 km về phía thượng nguồn đã bị Campuchia, Việt Nam và Thái Lan kịch liệt phản đối do thiếu những nghiên cứu sâu về tác động tiềm tàng đối với hệ sinh thái. Về phía Lào, quốc gia này khẳng định những biện pháp giảm thiểu cần thiết sẽ được áp dụng.
Trước động thái mới từ Lào, Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR) đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc. Trong Thông cáo báo chí ngày 02/09 vừa qua, IR khẳng định, những thảo luận và nghiên cứu sâu hơn đối với đập Don Sahong là vô cùng cần thiết.
“Cuộc tranh luận về Don Sahong vẫn chưa ngã ngũ. Cho đến khi có sự đồng thuận từ các nước láng giềng về tương lai của con sông Mê Kông, đập Don Sahong không nên được xây dựng. Các chính phủ trong khu vực trước đây đã có yêu cầu Chính phủ Lào bổ sung các nghiên cứu cần thiết và kéo dài thời gian cho các tham vấn khu vực đối với dự án. Luật pháp quốc tế cũng yêu cầu các chính phủ ngăn chặn tác động tiêu cực từ phát triển đến các quốc gia láng giềng, đồng thời phải cung cấp đủ thời gian để đánh giá các tác động xuyên biên giới của một dự án. Chính phủ Lào nên tôn trọng những yêu cầu trên bằng cách hoãn xây dựng dự án ít nhất 2 năm để thực hiện các nghiên cứu cần thiết. Trong thời gian đó, tất cả các thương thảo bao gồm cả Hợp đồng Mua bán Năng lượng đều phải tạm dừng. Cho đến khi đơn vị phát triển dự án có thể chứng minh đập Don Sahong không gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản dồi dào và dịch vụ hệ sinh thái độc nhất mà dòng sông Mê Kông mang lại cho người dân lưu vực, việc đình chỉ dự án chính là vì lợi ích của Lào và toàn bộ lưu vực,” Bà Ame Trandem, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của IR khẳng định.