ThienNhien.Net – Nghiên cứu mới đây của một nhóm các nhà khoa học quốc tế khẳng định thế giới cần 1,34 tỷ USD mỗi năm để bảo tồn hiệu quả 841 loài động vật có xương sống có nguy cơ tuyệt chủng.
Loài chuột lông xù núi Lefo (Lophuromys eisentrauti) là một trong những loài cực kì nguy cấp và có nguy cơ tuyệt chủng rất cao vì chỉ sinh sống duy nhất ở núi Lefo, miền Tây Cameroon; tương tự như tình trạng của Chim đớp ruồi Tahiti monarch (Pomarea nigra) đặc hữu ở quần đảo Polynesia,Pháp; và loài thằn lằn Lyciasalamandra billae chỉ sống ở Vịnh Lycian,Thổ Nhĩ Kì. Đó là 3 trong số 15 loài động vật có xương sống được Nhà sinh vật học Alia A. Conde thuộc Đại học Suthern Denmark và John E. Fa thuộc Tổ chức Durell Wildlife Conservation Trust cùng các cộng sự xác định thuộc nhóm 15 loài nguy cấp nhất, gồm 6 động vật lưỡng cư, 6 loài chim và 3 động vật có vú.
Kết luận trên được dựa trên tiêu chí của Alliance for Zero Extinction (AZE), một liên minh tập hợp các tổ chức bảo tồn hoạt động hướng tới bảo vệ các loài đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng. Liên minh AZE đã xác định 920 loài động vật có vú, chim, động vật lưỡng cư, bò sát, cây lá kim và san hô ở 588 khu vực chính cần bảo vệ khẩn cấp.
Việc bảo tồn thành công những loài trên đồng nghĩa với một bước tiến quan trọng đến mục tiêu 11 và 12 trong Các mục tiêu Đa dạng sinh học Aichi, được đặt ra từ năm 2010 dưới Công ước Liên hợp Quốc về Đa dạng Sinh học (Mục tiêu 11 là thành lập các khu vực bảo vệ; mục tiêu 12 là ngăn chặn sự tuyệt chủng).
Để định lượng nhu cầu bảo tồn 841 loài động vật có xương sống liệt kê trong tiêu chí AZE, bao gồm 157 động vật có vú, 165 loài chim, 17 loài bò sát và 502 loài lưỡng cư, các nhà nghiên cứu đã tính toán Chỉ số Cơ hội bảo tồn (Conservation opportunity index – COI) cho mỗi loài.
Hiểu đơn giản, COI là bộ chỉ số định lượng khả năng bảo tồn thành công một loài trong dài hạn cả ở môi trường sống tự nhiên và môi trường vườn thú. Các yếu tố được tính đến trong đánh giá bao gồm chi phí đất đai và quản lý, những rủi ro từ bất ổn chính trị ảnh hưởng đến nỗ lực bảo tồn, tác động của xu hướng đô thị hóa lên môi trường sống của loài vv…
Đối với các vườn thú, chi phí bảo tồn được tính toán đủ để duy trì ít nhất 500 cá thể và thực hiện các biện pháp gây giống đối với mỗi loài. Vai trò của vườn thú trong bảo tồn được các nhà nghiên cứu đánh giá là vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với các loài động vật lưỡng cư bị đe dọa bởi dịch nấm chytrid fungus đang lan rộng.
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, chỉ có 15 loài có chỉ số COI cao trong cả môi trường sống tự nhiên và vườn thú, 15 loài có chỉ số thấp ở cả hai môi trường sống, số còn lại thì không đồng nhất. Điều này có nghĩa là với nhiều loài, bảo tồn trong điều kiện tự nhiên dễ dàng hơn so với trong môi trường vườn thú, với nhiều loài khác thì ngược lại.
Kết quả đánh giá cho thấy chỉ cần 1,34 tỷ đô la mỗi năm để bảo tồn hiệu quả 841 loài động vật có xương sống thuộc danh mục AZE, trong đó 1,18 tỷ đô la để bảo vệ trong tự nhiên, và 160 triệu đô la để quản lý hiệu quả tất cả các loài trong vườn thú. Con số này chẳng là bao so với những gì chính phủ các nước hàng năm chi trả cho các lĩnh vực khác, đơn cử xấp xỉ 3,5 nghìn tỷ đô la đã được nước Mỹ chi trong năm 2014.
Tuy nhiên cũng cần phải tính đến yếu tố thời gian. Cơ hội bảo tồn cao cũng trở nên vô nghĩa nếu một loài bị tuyệt chủng trước khi được cứu. Ví dụ như loài dơi trong danh mục AZE có chỉ số COI cực kì cao (9,5/10 trong môi trường sống tự nhiên, 5/10 trong vườn thú), nhưng lại bị tuyệt chủng trong khi một số loài đã được bảo tồn thành công như chim cắt Mauritius (Falco punctatus), sếu Mỹ (Grus Americana), lợn rừng nhỏ (Porcula salvania) và rùa plough share (Astrochelys yniphora).
Chỉ còn chưa đến 5 năm là đến thời hạn phải hoàn thành mục tiêu Aichi và những khuyến nghị và đánh giá như trên cần phải được thực hiện, càng sớm càng tốt để đạt được mục tiêu này.