Bài 2 – Tăng cường quản lý và giám sát
ThienNhien.Net – Trước xu hướng các huyện, xã đang ồ ạt đầu tư mua lò đốt rác thải cỡ nhỏ về lắp đặt vận hành tại địa bàn, vấn đề đặt ra cho các cơ quan chức năng chính là phải làm sao để nâng cao công tác quản lý và tăng cường giám sát quá trình phân loại rác thải trước khi đốt và vận hành lò đốt rác; đồng thời từng bước tìm hướng cải thiện công nghệ, giảm thiểu phát thải chất độc hại ra môi trường.
Du nhập công nghệ lỗi thời
Theo các chuyên gia môi trường, công nghệ đốt rác thải hiện đã lỗi thời. Tại nhiều nước ở Châu Âu cũng như một số nước Châu Á, công nghệ này không được khuyến khích hoặc đã bị cấm sử dụng. Trên thế giới cũng đã có nhiều bài học về ô nhiễm chất dioxin do sử dụng tràn lan lò đốt rác thải, điển hình là thủ đô Tokyo của Nhật Bản với biệt danh “thủ đô Dioxin của thế giới”. Trước đây, nước này đã lắp đặt và sử dụng gần hai nghìn lò đốt rác thải, chưa kể tới nhiều lò đốt rác công nghiệp và cỡ nhỏ. Hàng nghìn lò đốt này đã phát thải ra môi trường gần 40% lượng dioxin trên toàn thế giới. Đến nay, Nhật Bản vẫn tiếp tục phải giải quyết những hậu quả nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường từ việc đầu tư tràn lan các lò đốt rác thải trên.
Lý giải cho xu hướng Việt Nam ồ ạt mua lò đốt rác thải cỡ nhỏ, ông Nguyễn Thành Yên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng trước đây, tại Việt Nam không có nhiều sự lựa chọn về công nghệ xử lý chất thải nên dễ dàng tiếp nhận bất cứ công nghệ nào được giới thiệu. Bên cạnh đó, các quốc gia trên thế giới đã và đang chuyển sang công nghệ không đốt nên các nhà sản xuất nước ngoài tìm mọi cách chuyển công nghệ đốt vào Việt Nam.
Ông Yên nêu ví dụ: Khi có chủ trương hạn chế đốt chất thải y tế tại Châu Âu, nước Bỉ đã tài trợ cho Việt Nam hơn 60 lò đốt chất thải y tế vào những năm cuối thế kỷ 20, có lẽ để dọn đường cho việc tiếp thị các lò đốt của Bỉ nhập về Việt Nam. Điều này dẫn đến việc Việt Nam đã coi lò đốt là công nghệ tiên tiến và duy nhất đối với xử lý chất thải y tế trong nhiều năm. Sau đó khi Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (trước đây) tiến hành khảo sát, thì mới vỡ lẽ hầu hết các lò trên không đạt yêu cầu bảo vệ môi trường do không có hệ thống xử lý khí thải. Ông Yên cũng đặt vấn đề: Việc các lò đốt của Nhật Bản liên tục được tiếp thị vào Việt Nam trong thời gian gần đây, có thể cũng liên quan đến xu hướng hạn chế đốt chất thải rắn sinh hoạt tại quốc gia này.
Cần một lộ trình bài bản, nghiêm túc
Theo ông Nguyễn Thành Yên, để giải quyết tận gốc những nguy cơ từ lò đốt rác thải cỡ nhỏ cần có một lộ trình bài bản, nghiêm túc, trước hết là ở cơ sở pháp lý.
Theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chức năng quản lý Nhà nước việc quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có công tác xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt trước khi đi vào hoạt động. Trước đây toàn bộ công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt thuộc chức năng của Bộ Xây dựng. Như vậy, theo quy định hiện nay, Bộ Xây dựng chỉ còn quản lý việc quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo phân công tại Nghị định này. Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đánh giá lại thực trạng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, kể cả việc sử dụng lò đốt để có những giải pháp phù hợp trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, hiện nay đã có lựa chọn công nghệ tiên tiến cho xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải y tế như lò nung xi măng hiện đại có nhiệt độ cao, công suất lớn, hệ thống xử lý khí thải và yêu cầu bảo vệ môi trường tiên tiến, không phát sinh tro xỉ. Một số quốc gia cũng theo hướng công nghệ chuyển hóa chất thải thành nhiên liệu hoặc phân bón…
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng quy chuẩn quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. Đây là những căn cứ kỹ thuật quan trọng mang tính sàng lọc cho việc sản xuất, lựa chọn sử dụng và thẩm định lò đốt ngay từ giai đoạn ban đầu.