ThienNhien.Net – Sáng 24/8, người dân xã Đại Hồng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đã bao vây cồn cát Hà Vy (sông Vu Gia), kiên quyết yêu cầu Công ty Kim Phú dừng việc khai thác cát đang diễn ra rầm rộ tại đây.
Dân bị hăm dọa vì phản ứng!
Theo người dân, bình quân mỗi ngày, nhất là chủ nhật có khoảng vài chục chục lượt xe tải chạy ầm ầm vận chuyển cát ra ngoài bán. Tại hiện trường, hàng loạt xe múc, máy hút đang rầm rộ hoạt động. Một vùng đất kề sông Vu Gia bị xới tung, tạo thành những “hố bom” sâu hoắm.
Người dân cho biết, một số diện tích sắn của họ bị Công ty Kim Phú múc tung. Trước phản ứng của người dân, trong sáng 24.8, cán bộ xã Đại Hồng sau đó đã có mặt trấn an người dân. Cứ mỗi lần dân kêu than, cán bộ xã này lại phải “ba chân bốn cẳng” đến lập biên bản tạm dừng khai thác, đề nghị Công ty Kim Phú đưa máy móc ra xa đất sản xuất hoa màu của dân.
Ông Bùi Văn T. (thôn Ngọc Thạch, xã Đại Hồng) – bức xúc: “Họp hành la ó nhiều rồi nhưng như… gió bay. Mấy năm trước họ múc ngoài sông, thời gian gần đây khoét sát vào đất sản xuất nông nghiệp của chúng tôi. Mùa lụt lớn tới, bãi bồi này sẽ thành con lạch sông. Sạt lở hết đất sản xuất hoa màu, dân chúng tôi lấy gì ăn!”.
Theo chị Nguyễn Thị L. (thôn Lộc Thuận, xã Đại Hồng), con đường người dân đi qua lại trên sông làm ăn cũng bị múc mất. “Mồi lần lội xuống sông là sâu gần lút gối, chỗ cao chỗ thấp, không biết đâu sơ, có người bị sụp hố, may lôi lên kịp không chết rồi. Đã thế họ còn nói chúng tôi nhổ hết sắn tại đây xong là múc luôn vào đất sắn luôn!” – chị L. nói. Theo người dân, có lần họ bất bình phản ứng việc múc cát thì bị lái xe múc điều khiển cầu múc “nện” xuống trước mặt họ dằn mặt!. Ông Phạm Ích Khiêm – Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hồng xác nhận, việc người dân bị nhân viên làm việc tại mỏ cát hăm dọa là có.
Thiếu giám sát, quản lý
Ông Trương Văn Huấn – Phó trưởng phòng TN-MT huyện Đại Lộc nói không chỉ người dân mà ông cũng hết sức bức xúc vì nhiều lần mời lên làm việc nhưng Công ty Hồng Ân (đơn vị khai thác) không đến. Ông Huấn cho biết, trước đây, năm 2007, UBND tỉnh cấp phép cho Công ty Phước Lộc khai thác nhưng năm 2009, Công ty này nhượng quyền khai thác lại cho Công ty Hồng Ân. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì hơn 3 năm liền, Công ty Hồng Ân không tiến hành khai thác.
Trong thời gian đó, qua nhiều đợt mưa lũ, khu vực cấp phép khai thác có sự biến động về dòng chảy. Một lượng cát lớn bị cuốn đi nơi khác, thay vào đó là đất được bồi lấp và trở thành đất nông nghiệp khoảng 4ha/7,15ha được cấp phép. Nhiều năm qua, toàn bộ 4ha này đã được người dân trồng hoa màu. Tháng 9.2014, Công ty Hồng Ân tiếp tục chuyển nhượng cho Công ty Kim Phú (xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc). Trong khi việc chuyển nhượng này chưa được duyệt hồ sơ thì Công ty Kim Phú đưa máy móc, thiết bị vào khai thác rầm rộ. Dù Công ty này khai thác cát nhưng pháp nhân vẫn là Công ty Hồng Ân.
Thấy Công ty này xâm hại hoa màu, vận chuyện cát gây ô nhiễm đường sá, người dân liên tục phản ánh đến xã Đại Đồng. Công ty Kim Phú một mực cho rằng, vị trí khai thác nằm trong pham vi được tỉnh cấp phép.
Ông Phạm Ích Khiêm – Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hồng – cho biết, ông đang đau đầu vì “doanh nghiệp múc đúng vị trí cấp phép nhưng vẫn “nhầm” đất sản xuất của người dân”. “Bây giờ làm thế nào đó phải hài hòa lợi ích giữa người dân vì qua vài trận lụt bồi đất nằm trên, cát nằm dưới. Chúng tôi đã làm văn bản xin tỉnh thay đổi vị trí cấp phép, dời phạm vi cắm mốc ra ngoài để nhường đất cho người dân sản xuất hoa màu. Nếu vấn đề không được sớm giải quyết, người dân bức xúc kéo dài thì rất dễ xảy ra việc ngoài ý muốn” – ông Khiêm lo lắng.
Theo tài liệu PV có được, tỉnh Quảng Nam ngày 7.8.2015 đã giao Sở TN-MT phối hợp với các sở, ngành liên quan và huyện Đại Lộc kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp có liên quan tại mỏ cát này, nếu phát hiện sai phạm, phải tham mưu UBND tỉnh kịp thời xử lý. Kết quả kiểm tra báo cáo gửi về tỉnh trước 20.8. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan trên vẫn chưa thực hiện.