ThienNhien.Net – Trong khi chính quyền và nhà đầu tư khẳng định đã đền bù diện tích đất cho người dân đến cao trình 500m thì người dân xã Đắk Sin vẫn khẳng định phần đất bị ngập nước chưa được đền bù.
Nhà máy Thủy điện Đắk Sin 1 thuộc địa bàn xã Đắk Sin (Đắk R’lấp, Đắk Nông) do Công ty cổ phần VRG Đắk Nông thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng kinh phí khoảng 900 tỷ đồng. Sau hơn 3 năm đầu tư xây dựng, mới đây Nhà máy Thủy điện Đắk Sin 1 đã tiến hành tích nước để phát điện.
Thế nhưng sau hơn 2 tháng tiến hành tích nước thì ngày 28/7/2015, có 47 hộ dân thuộc thôn 14, xã Đắk Sin gửi đơn khiếu nại về tình trạng nước lòng hồ thủy điện dâng cao đã làm ngập úng hàng chục ha cà phê, tiêu, cao su, nhà cửa của người dân, khiến cho cuộc sống họ lâm vào cảnh khó khăn.
Ông Nguyễn Xuân Chưởng – một người dân ở đây cho biết, hiện trong thôn 14, xã Đắk Sin có khoảng 15 héc ta cây trồng cà phê và cao su cùng các loại khác của 47 hộ dân bị nước thủy điện gây ngập úng. Trong đó, ông Bùi Chí Tuệ ở thôn 14 là người thiệt hại lớn nhất, hiện 1,7 ha trồng cao su và các loại khác của gia đình ông đang cho thu hoạch đã bị nước làm ngập héo khô và chết gần hết.
Còn các hộ khác như ông Lê Văn Thắng, Phạm Công Danh, Bùi Văn Thái, Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Xuân Chưởng cùng ở thôn 14 đều có từ 2- 9 sào trồng cây công nghiệp các loại đều bị ngập úng.
Ông Chưởng chia sẻ: “Cuộc sống của người dân chúng tôi chủ yếu dựa vào canh tác, sản xuất nông nghiệp, nhưng giờ nước ngập làm cây chết thì biết lấy gì mà duy trì cuộc sống hàng ngày. Bao nhiêu tài sản, công sức của các hộ dân chúng tôi giờ nằm dưới nước. Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ trách nhiệm của phía chủ đầu tư công trình thủy điện để người dân yên tâm ổn định cuộc sống”.
Không chỉ nhiều diện tích cây trồng của người dân bị ngập mà khi Thủy điện này tích nước còn làm ngập 1 căn nhà, 2 chòi lán của người dân nơi đây. Hiện căn nhà 145 m2 của gia đình anh Nguyễn Văn Chinh ở thôn 14 bị ngập có nơi sâu hơn 2m. Không có nhà ở, anh phải đưa gia đình sang ở nhà hàng xóm.
Thế nhưng anh Chinh cho hay: “Nhà tôi bị ngập hơn 1 tháng nay nên phải qua ở nhờ nhà hàng xóm cùng thôn. 1 tháng nữa vợ tôi sinh em bé vì kiêng kỵ nên họ không muốn cho ở nhờ nữa, giờ gia đình tôi không còn nơi nào để trú thân”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Hoàng Hượt, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VRG Đắk Nông (Tập đoàn cao su Việt Nam) cho biết: Trước khi khởi công công trình, đơn vị đã phối hợp với chính quyền xã, huyện làm công tác giải phóng mặt bằng và đền bù xong không có gì khuất tất. Hơn nữa, đơn vị đã tiến hành đền bù diện tích đất cho bà con vượt hơn rất nhiều so mực nước khi dâng lên đỉnh điểm.
Cụ thể, khi đơn vị tích nước lòng hồ lên với cao trình mực nước tối đa chỉ là 495m, nhưng đã đền bù giải tỏa lên đến cao trình 500m, tức là ranh giới của đất sản xuất của người dân tại mọi điểm đều cao hơn 5m so với mặt nước hồ. Chính vì vậy, không có việc đơn vị tích nước lòng hồ gây ngập diện tích cây trồng của người dân.
Nguyên nhân đẫn đến người dân khiếu nại đó là sau khi giải tỏa, đơn vị nhận thấy phần diện tích không ngập nước nên để cho người dân tiếp tục sản xuất, do đó họ hiểu “nhầm” phần diện tích đó chưa được đền bù. Bên cạnh đó, trong quá trình thi công, công ty có ủi một đường đi để chở nguyên vật liệu phục vụ xây dựng công trình nên khi bị ngập, họ lại nhầm đây là đường be, đường ranh giới xác định đất lòng hồ và đất sản xuất của người dân.
Trong các hồ sơ, tài liệu liên quan, văn bản kết luận của cấp huyện đều cho thấy Công ty Cổ phần VRG Đắk Nông đã đền bù diện tích đất cho người dân đến cao trình 500m.
Ông Hoàng Xuân Quý, Chủ tịch UBND xã Đắk Sin cho biết:“Việc người dân khiếu nại diện tích bị ngập nước chưa được đền bù là không có cơ sở vì đơn vị chủ đầu tư đã đền bù với cao trình như đã nói trên. Còn 1 số nhà dân bị ngập là sau khi đã được đền bù, họ còn cố tình xây dựng để đòi đền bù, những trường hợp này đều được UBND xã phát hiện và lập biên bản”.
Được biết trong quá trình giải phóng mặt bằng có 129 hộ dân của 2 xã Đắk Sin và Hưng Bình bị thu hồi 152 ha đất đang trồng cây cà phê, tiêu, cao su…
Mặc dù phía công ty và chính quyền địa phương đã lý giải nhưng các hộ dân vẫn khẳng định phần đất bị ngập nước chưa được đền bù. Trước sự việc nêu trên, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông cần sớm vào cuộc làm rõ, để trả lời thỏa đáng cho người dân.