ThienNhien.Net – Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2015 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức ngày 27-8 ở Thanh Hóa với chủ đề: “Kinh tế Việt Nam: Hội nhập và phát triển bền vững”, các chuyên gia kinh tế đã nêu rõ thể chế kinh tế hiện nay chính là điểm mấu chốt đang cản trở hội nhập.
Doanh nghiệp như đi trên cầu khỉ
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh nền tảng cho một nền kinh tế phát triển lành mạnh, bền vững là các doanh nghiệp tư nhân. Do vậy, phát triển doanh nghiệp tư nhân chính là “mệnh lệnh” sống còn của nền kinh tế. Nhưng đáng nói hơn là chất lượng doanh nghiệp. Hiện kết nối giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) rất kém. Khối FDI bùng nổ tăng trưởng nhưng không liên thông được với doanh nghiệp trong nước, không đạt mục tiêu kỳ vọng thu lợi từ FDI, cụ thể là thúc đẩy tư nhân trong nước mua hàng. Dường như Việt Nam phải hy sinh rất nhiều trong đàm phán thương mại thời gian qua nhưng doanh nghiệp FDI hưởng lợi.
Vị chuyên gia từng được đánh giá có công đầu trong đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển – cho biết chỉ 73% doanh nghiệp biết khái niệm về Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, hầu như chưa nhận ra sức ảnh hưởng đến doanh nghiệp mình. “Số lượng doanh nghiệp “hồn nhiên, vô tư” của Việt Nam lớn nhất trong cộng đồng, cao hơn nhiều so với Lào, Campuchia. Doanh nghiệp Việt quen thói nước đến chân mới nhảy, chịu sức ép rất lớn thì mới vận động, nếu không sẽ chẳng bao giờ thay đổi” – ông Tuyển nêu thực trạng.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, lại cho rằng lâu nay, khi nhắc đến hội nhập, chúng ta thường “chê” doanh nghiệp trong nước bị động, yếu trong cạnh tranh là đúng nhưng chưa đủ. “Doanh nghiệp hội nhập như đi trên cầu khỉ, trên lưng là khối đá gánh nặng chi phí, dò dẫm từng bước một để không trượt chân rơi xuống sông nên khó có thể nhìn xa hơn được” – ông Cung ví von.
Theo ông, hình ảnh này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam không thể hội nhập được trong bối cảnh thể chế nhà nước như hiện nay. Hệ thống của chúng ta không hề quan tâm đến hội nhập. Hội nhập chính là đổi mới mà nhà nước không thay đổi tư duy về chức năng nhiệm vụ của mình, vẫn giữ tư duy bề trên, quản lý doanh nghiệp chứ không đồng hành với doanh nghiệp. Bộ máy của chúng ta “nghiện” quản lý nên đã cản trở doanh nghiệp.
Đáng lo ngại trong quá trình hội nhập không phải là các doanh nghiệp mà chính là công chức nhà nước. TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng CIEM, nêu rõ: “Trong hội nhập, Việt Nam có thể chết đến 100.000 doanh nghiệp nhưng sẽ mọc ra 200.000 doanh nghiệp khác. Còn 100.000 công chức Việt Nam thì không đuổi được. Doanh nghiệp khi tham gia hội nhập có thị trường dẫn dắt bằng các nguyên tắc nhưng con người công chức thì ai điều chỉnh? Đó là tính ì lớn trong việc tham gia hội nhập” – ông Thành bình luận.
Phải tính đến “bài toán Trung Quốc”
Trong bối cảnh hội nhập, các diễn biến trên thị trường thế giới ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế Việt Nam nhưng nhà nước chưa tận dụng, biến diễn biến đó thành cơ hội để hỗ trợ khối doanh nghiệp sản xuất trong nước và người dân. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, dẫn chứng giá dầu giảm không chỉ đánh giá tác động đến thu ngân sách mà khó nhất là làm sao chuyển từ giá dầu thấp thành động lực phát triển để người sản xuất giảm chi phí. Muốn làm được điều này phải có thị trường cạnh tranh. “Phải có chế tài, luật chống độc quyền, luật về cạnh tranh thật sự nghiêm túc thì mới thực hiện được. Thực tế, Cục Quản lý cạnh tranh lại không hoạt động độc lập, không xử lý được điểm tồn tại này” – ông nói.
Tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế cũng tranh luận sôi nổi về ảnh hưởng từ nước láng giềng Trung Quốc đến tiến trình hội nhập của Việt Nam. TS Võ Trí Thành đánh giá đây là bài học khó nhất đối với Việt Nam trong hội nhập.
TS Trần Đình Thiên nhận định nước ta lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Khi quốc gia này thay đổi cấu trúc kinh tế, cấu trúc cũ có thể chuyển sang Việt Nam. Do đó, chúng ta không nên tiếp nhận cơ cấu cũ của họ. “Họ bỏ đi mà mình xài thì được giá rẻ nhưng mất vài chục năm phát triển” – ông Thiên lưu ý.
Theo GS-TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, quan hệ các nước lớn trong khu vực đang thay đổi, vấn đề tiên quyết là phải chú ý đến yếu tố Trung Quốc. “Các thay đổi của Trung Quốc đều tác động nhiều chiều đến chúng ta. Nếu chúng ta không tính đến yếu tố Trung Quốc trong phát triển thì sẽ bị động rất nhiều” – ông Thuấn nêu quan điểm.
Đừng để dính “bẫy”
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đặt vấn đề liệu Việt Nam có đang hội nhập quá nhanh bởi có người nhận xét chúng ta hay quá, hội nhập nhanh quá, tham gia nhiều hiệp định tại cùng thời điểm sẽ rất dễ rơi vào cái bẫy của tự do hóa thương mại. Theo ông, trong lần hội nhập này, đừng bao giờ để doanh nghiệp sợ hội nhập như sợ ma vì không biết nó như thế nào. Để một cuộc hội nhập thành công, bao giờ cũng cần mở cửa bên trong, cải cách bên trong trước khi mở cửa bên ngoài. Nhưng trong quá khứ, năm 1988, luật mở cửa cho đầu tư nước ngoài nhưng mãi đến năm 1991 mới có luật cho tư nhân trong nước. Nếu lực trong yếu mà mở bên ngoài quá nhanh là dấu hiệu rơi vào “bẫy” tự do hóa thương mại” – ông Lịch nhận định. |