ThienNhien.Net – Sau 3 năm chính thức vận hành, thị trường phát điện cạnh tranh đã đạt được những kết quả nhất định, song theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam vẫn chưa có thị trường điện (TTĐ) đúng nghĩa. Nguyên nhân cũng bởi ngành điện đang độc quyền ở tất cả các khâu từ sản xuất, truyền tải đến bán lẻ.
Cạnh tranh nửa vời
Theo Lộ trình xây dựng và phát triển thị trường điện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 8/11/2013, thị trường điện Việt Nam sẽ được hình thành và phát triển theo 3 cấp độ: phát điện cạnh tranh (2005 – 2014), bán buôn cạnh tranh (2015 – 2022) và bán lẻ cạnh tranh (sau 2022).
Năm 2015 sẽ đánh dấu bước phát triển mới của thị trường điện cạnh tranh, đó là triển khai thí điểm giai đoạn bán buôn cạnh tranh. Tuy nhiên, ngay trong giai đoạn 1 (thị trường phát điện cạnh tranh), dù được đánh giá là đã hoàn thành mục tiêu, nhưng vẫn còn gặp nhiều vướng mắc.
Theo công bố mới nhất của Bộ Công Thương, sau 3 năm đưa vào vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, từ 31 nhà máy điện với tổng công suất lắp đặt là 9.300 MW, đến nay đã có 59 nhà máy điện tham gia thị trường, với tổng công suất lắp đặt là 14.796 MW trực tiếp tham gia thị trường, chiếm 41,63% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho rằng, việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đã tạo sự công khai, minh bạch trong huy động các nhà máy điện tham gia cung cấp cho hệ thống lưới điện. Trước đây vận hành theo điều độ kinh tế, nhưng với việc vận hành thị trường này thì các đơn vị có thể chủ động trong chào giá, vận hành và sửa chữa.
Tuy nhiên, theo GS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực, do tỷ lệ nhà máy tham gia thị trường điện mới đạt 50 – 60% và công suất phát điện cũng mới chỉ đạt trên 41% nên thị trường phát điện thực tế chưa được vận hành đầy đủ và tính cạnh tranh vẫn còn thấp.
Đối với giá bán, theo phản ánh của nhiều nhà máy điện, hiện vẫn chỉ có một đối tượng mua điện duy nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) (thông qua một công ty mua bán điện) nên giá điện chào trên thị trường chưa có sự linh hoạt mà phụ thuộc nhiều vào các quy định của bên mua là EVN. Vì vậy, khi tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh, nhiều đơn vị thậm chí thua lỗ, không thu hồi đủ chi phí.
Để có được thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam còn khá xa. Ngành điện đang đóng hai vai, nhà sản xuất, kinh doanh và trực tiếp phân phối. Sự độc quyền đã được thuyên giảm do lộ trình đặt ra nhưng vấn đề gốc rễ vẫn còn rất nặng nề. Nếu như không thay đổi thể chế, thay đổi thị trường, đặc biệt là chức năng của EVN thì không thể giải quyết được tận gốc vấn đề. Chừng nào chưa giải quyết được mâu thuẫn lợi ích trong điều hành quản lý điện của EVN thì chừng ấy chưa thể có được thị trường điện cạnh tranh đúng nghĩa, chưa thể thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư và cung ứng điện. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) |
Theo ông Lê Trung Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), sản lượng hợp đồng hàng năm được phân bổ cho các nhà máy điện tương đương 90% sản lượng phát. Điều này có nghĩa, nhà máy chỉ được đảm bảo thu hồi 90% chi phí cố định thông qua giá hợp đồng, 10% chi phí cố định còn lại nhà máy cần phải thu hồi thông qua phần sản lượng phát ngoài thị trường điện cạnh tranh. Tuy nhiên, do giá thị trường thông thường thấp hơn giá hợp đồng, nên phần doanh thu trên thị trường của phần sản lượng phát ngoài sản lượng hợp đồng sẽ không đủ thu hồi chi phí cố định cho nhà máy. Dẫn đến, không đảm bảo được thu hồi đủ chi phí cố định.
Ông Dũng cho biết thêm, Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 thuộc PV Power bán điện cho EVN, đã ký hợp đồng cho giai đoạn vận hành thương mại từ tháng 1/2009, song đến nay vẫn thanh toán bằng giá tạm tính và chưa đàm phán xong giá chính thức. Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động của PV Power và Nhơn Trạch, liên quan đến doanh thu, nộp thuế, quản lý chi phí và quá trình cổ phần hóa của DN.
Cần giảm độc quyền
Theo các chuyên gia kinh tế, mức độ cạnh tranh của thị trường điện Việt Nam rất thấp. EVN đang độc quyền đối với tất cả các khâu từ sản xuất, truyền tải đến bán lẻ tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh. Cụ thể nhiều nhà máy điện, các trung tâm điều độ điện quốc gia, tổng công ty truyền tải đều do EVN quản lý. Nếu nhà đầu tư nào muốn tham gia thị trường điện thì đều phải thông qua EVN. Do đó, phải tách các đơn vị này ra thì mới thúc đẩy được quá trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh.
Để tiếp tục thực hiện lộ trình xây dựng thị trường điện cạnh tranh, Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 8266/QĐ-BCT phê duyệt thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Quyết định này có nhiều điểm mới rất được mong đợi, trong đó, từ nay đến năm 2021 sẽ xóa bỏ vai trò độc quyền trong sản xuất, phân phối và cung ứng điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).
Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Công Thương vừa là cơ quan quản lý nhà nước, vừa là bộ chủ quản của EVN và vừa là cơ quan giám sát lộ trình phát triển điện tại Việt Nam. Điều này có thể khiến cho việc điều hành, quản lý giá điện trở nên thiếu khách quan, lợi ích của người tiêu dùng có thể bị thiệt thòi. Vì vậy, theo các chuyên gia, phải cải cách thể chế, ngành điện muốn có thị trường cạnh tranh thì cần có cơ quan giám sát độc lập, tách chức năng chủ sở hữu ra khỏi Bộ Công Thương và giao cho cơ quan khác. Cơ quan đó có thể trực thuộc Quốc hội, đó là mô hình tương tự như một số nền kinh tế thị trường khác.