Biểu tình đòi chính phủ Liban từ chức vì khủng hoảng rác thải

ThienNhien.Net – Ngày 25/8, Chính phủ Liban đã kết thúc cuộc họp khẩn mà không đưa ra được giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng rác thải ở thủ đô Beirut.

Hàng nghìn người dân tiếp tục xuống đường biểu tình và kêu gọi chính phủ từ chức.

Những bãi rác khổng lồ ở Beirut (Nguồn: Getty)
Những bãi rác khổng lồ ở Beirut (Nguồn: Getty)

Sau cuộc họp kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ, chính phủ của Thủ tướng Tammam Salam đã quyết định loại bỏ hoàn toàn danh sách các nhà thầu thu gom rác thải với lý do các công ty này đưa ra giá thầu cao, đồng thời chỉ định một ủy ban tìm kiếm công ty thay thế. Động thái này được đưa ra sau khi các thành viên trong nội các không đạt được tiếng nói chung và có tới 6 bộ trưởng của một đảng chính trị bỏ ra ngoài phòng họp.

Trong khi đó, hàng nghìn người dân tiếp tục tập trung tại Quảng trường Riad al-Solh gần văn phòng thủ tướng ở trung tâm thủ đô Beirut để bày tỏ thất vọng trước sự tê liệt của chính phủ. Xung đột giữa người biểu tình với cảnh sát đã xảy ra, khiến hàng chục người bị thương.

Làn sóng biểu tình ở thủ đô Beirut của Liban nhằm phản đối tình trạng rác thải không được thu gom từ tháng trước. Cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng trầm trọng khi rác thải chất đống trong những ngày Hè nắng nóng đỉnh điểm của vùng Trung Đông. Công ty thu gom rác thải Sukleen đã ngừng hoạt động khi bãi rác Naameh bị đóng cửa do quá tải, trong khi chính quyền không tìm ra được giải pháp khắc phục nào do những bất đồng nội bộ.

Chính phủ của Thủ tướng Salam bao gồm các đảng phái đối địch nhau như Phong trào Tương lai do người Sunni lãnh đạo, phong trào Hezbollah của người Shi’ite và một số nhóm Cơ đốc giáo. Chính phủ này đã tê liệt gần như hoàn toàn kể từ khi ông Salam nhậm chức năm ngoái trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng ngày càng lan rộng ở Trung Đông, trong đó có cuộc chiến ở quốc gia láng giềng Syria, làm trầm trọng thêm những chia rẽ chính trị và phe phái ở Liban.

Liban đã không có tổng thống hơn một năm qua, kể từ khi Tổng thống Michel Sleiman mãn nhiệm hồi tháng 5/2014.

Quốc hội Liban đã hai lần gia hạn nhiệm kỳ kể từ cuộc bầu cử gần đây nhất vào năm 2009. Quốc hội này cũng nhiều lần không thể nhóm họp để bầu ra tổng thống kế nhiệm ông Sleiman bởi không hội đủ số nghị sỹ theo như hiến pháp quy định.

Nguồn: