ThienNhien.Net – Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 61 khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, kỳ lạ là tỷ trọng doanh nghiệp trong nông nghiệp lại có xu hướng… sụt giảm! Làm thế nào để xoay chuyển thực trạng này?
Tại Hội thảo “Vai trò doanh nghiệp trong đầu tư nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” diễn ra hôm qua (25/8) tại TP.HCM, ông Hồ Xuân Hùng – Chủ tịch Tổng Hội NN-PTNT, cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn thời gian qua vẫn còn rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu phát triển của ngành.
Cụ thể: TS Phạm Quốc Doanh – Phó Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương, cho biết hiện cả nước có khoảng 3.700 doanh nghiệp với vốn đầu tư vào nông nghiệp, lũy kế từ năm 2011 đến hết năm 2014 chỉ ở mức 40 nghìn tỷ đồng.
Đáng lo ngại là tỷ trọng doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang giảm từ 1,6% xuống còn 1% trong giai đoạn 2007 – 2013. Điều đó cho thấy sự phát triển của doanh nghiệp nông nghiệp kém hơn sự phát triển của doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ chiếm gần 1% tổng số doanh nghiệp của cả nền kinh tế, với số vốn đầu tư chưa vượt quá 4% tổng vốn đầu tư FDI. Quy mô các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ. Như vậy, lĩnh vực nông nghiệp chưa hấp dẫn với doanh nghiệp, thậm chí còn có xu hướng giảm, kể cả sau khi có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
“Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trước hết chính sách phải đảm bảo sự an toàn, an tâm cho doanh nghiệp. Khi họ đầu tư vào nông nghiệp ít nhất phải có lợi nhuận bằng với đầu tư vào các ngành kinh tế khác và đầu tư ở các khu công nghiệp, đô thị” – TS Phạm Quốc Doanh. |
TS Phạm Quốc Doanh chỉ ra nguyên nhân căn bản, đó là sự thiếu nhất quán về nhận thức và tư tưởng trong việc ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là ưu tiên thu hút phát triển doanh nghiệp. Điều này dẫn đến hệ lụy các chính sách mới chỉ dừng ở mức khuyến khích, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư. Nghịch lý là chúng ta xây dựng nền nông nghiệp có tính thị trường cao, nhưng chủ thể thứ nhất là doanh nghiệp thì đang vô cùng yếu và thiếu. Chủ thể thứ hai là hệ thống cạnh tranh nông nghiệp lành mạnh cũng trong tình trạng tương tự.
Các chuyên gia cho rằng, việc cần làm ngay là phải định vị rõ ai là lực lượng dẫn dắt ngành nông nghiệp? Đó chính là các doanh nghiệp. Khi xác định rõ rồi thì phải tập trung chính sách cho nó. Việt Nam cần thoát khỏi tư duy an ninh lương thực kiểu cũ để mạnh dạn và quyết liệt thay đổi.
Ngoài ra, hệ thống sở hữu ruộng đất mang tính trói buộc, vừa gây khó cho nông dân, vừa cản trở doanh nghiệp đầu tư phát triển (tích tụ sản xuất lớn) cũng cần tính toán lại.
Về vấn đề này, TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nêu ra 4 bài học kinh nghiệm mà nhiều nước đã quyết liệt thực hiện. Một là vấn đề cải cách đất đai, quy mô tăng dần, tạo điều kiện hơn nữa cho tích tụ để sản xuất lớn. Hai là ưu tiên cải thiện công nghệ bằng hành động và cam kết trực tiếp của Nhà nước (bảo vệ sở hữu trí tuệ, phát triển nguồn nhân lực…). Ba là ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư. Bốn là hạn chế bóp méo giá cả (giá đầu vào – đầu ra, giá nhân tố…) rất dễ gây thiệt hại cho doanh nghiệp nông nghiệp.