ThienNhien.Net – Rùa biển ở Côn Đảo được lực lượng kiểm lâm bảo vệ bằng nhiều biện pháp, trong đó có việc thức trắng đêm để canh chúng đẻ.
Cách thị trấn Côn Đảo khoảng 3,5 hải lý, hòn Bảy Cạnh (thuộc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) là nơi có số lượng rùa biển lên đẻ trứng rất nhiều.
Chờ từng quả trứng
Từ năm 1990 đến nay, lực lượng kiểm lâm nơi đây đã thực hiện hàng ngàn ca “đỡ đẻ” cho rùa và thả ra biển hàng triệu con. Khoảng 1 giờ sáng một ngày giữa tháng 8-2015, các kiểm lâm viên của hòn Bảy Cạnh dẫn chúng tôi đi xem rùa đẻ. Không phải chờ lâu, một con rùa biển bò lên cát tìm vị trí làm tổ. Chưa đầy 5 phút, chiếc tổ sâu khoảng 50 cm, rộng 20 cm đã được đào xong.
Các du khách tận mắt chứng kiến động vật đã được đưa vào Sách đỏ đẻ từng quả trứng. Khi rùa biển đẻ được khoảng 20 quả trứng, các kiểm lâm viên liền tới làm nhiệm vụ “bà đỡ”. Từng đợt một, những quả trứng giống như quả bóng bàn rơi xuống lỗ. Lúc này, các kiểm lâm viên lưu ý du khách không được dùng đèn rọi phía trước mặt rùa mẹ vì nếu nhìn thấy ánh sáng, nó sẽ ngừng đẻ và lập tức rời tổ. “Khi rùa mẹ bò xuống biển thì phải vài ngày sau mới quay lại để tiếp tục đẻ trứng” – một kiểm lâm viên nói.
Sau khi đẻ xong, rùa mẹ dùng chân sau đưa cát lấp lỗ và ém chặt, sau đó xóa dấu vết để tránh bị kẻ thù phát hiện, nằm nghỉ khoảng 1 giờ rồi quay về biển. Khi rùa mẹ nghỉ ngơi là lúc các kiểm lâm viên ghi thông tin và tiến hành bấm thẻ để theo dõi xem có bao nhiêu rùa biển quay lại Côn Đảo đẻ trứng. Trong đêm đó, có tất cả 7 rùa mẹ lên đào tổ và chỉ 5 con đẻ, được tổng cộng khoảng 500 quả trứng.
Nỗi lo “rùa tặc”
Từ nhiều năm qua, việc bảo vệ rùa biển rất được chú trọng, nhất là vào mùa sinh sản (từ tháng 5 đến tháng 10), vì thời điểm này chúng tìm lên các bãi cát để đẻ trứng. Lúc đó, những “rùa tặc” cũng sẽ theo dõi để trộm trứng và bắt rùa mẹ. Anh Nguyễn Văn Long, kiểm lâm viên hòn Bảy Cạnh, cho biết mới đây, kiểm lâm hòn Bảy Cạnh bắt được một số đối tượng xẻ thịt rùa để bán và bàn giao cho cơ quan công an xử lý. Tuy nhiên vì lợi nhuận, nhiều người vẫn bất chấp để lấy trộm trứng và bắt rùa mẹ. Vì vậy, ngay sau khi rùa bò lên bờ biển tìm vị trí làm tổ, lực lượng kiểm lâm cũng phân công người canh gác. “Suốt mùa sinh sản của rùa biển, chúng tôi đều chia nhau thức trắng đêm để canh” – một kiểm lâm viên nói.
Theo các kiểm lâm viên, trước đây, việc “đỡ đẻ” cho rùa chỉ đơn giản là đánh dấu những tổ trên bãi cát, để trứng nở tự nhiên rồi theo dõi rùa con trở về biển. Tuy nhiên, tỉ lệ trứng nở tự nhiên rất thấp do chịu nhiều tác động như: bị lấy trộm, tổ ngập nước, trứng bị động vật khác ăn… Nhiều năm nay, nhờ những chiếc tổ nhân tạo, việc bảo vệ trứng rùa được bảo đảm hơn.
Sau khi rùa đẻ xong, số trứng trên sẽ được đưa về những chiếc tổ nhân tạo rồi phủ cát lên và ấp khoảng 45 – 60 ngày thì nở. “Sau khi được thả về biển, rùa sẽ ngoái đầu lại nhìn và ghi nhớ nơi mình sinh ra. Khoảng 30 năm sau, tới mùa sinh sản, rùa quay lại vị trí chúng sinh ra và làm tổ đẻ trứng” – anh Long cho biết.
Sinh sản nhiều nhưng sống sót ít
Theo thống kê của Vườn Quốc gia Côn Đảo, từ năm 1990-2014, đã có hơn 6.000 rùa mẹ đến Côn Đảo đẻ hơn 2 triệu quả trứng, trong đó có khoảng gần 2 triệu con rùa được thả về biển. Vườn Quốc gia Côn Đảo được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là nơi nuôi ấp và thả về thiên nhiên nhiều rùa biển nhất Việt Nam. Để thụ thai, rùa đực và rùa cái phải giao phối có thể kéo dài đến 72 giờ. Đến mùa sinh sản, bình quân mỗi rùa mẹ đẻ 3 tổ nhưng cũng có lúc đẻ tới 11 tổ, mỗi tổ từ 70-200 quả trứng. Tuy sinh sản dày và nhiều nhưng tỉ lệ sống sót và trưởng thành của rùa biển rất ít. Trong số 1.000 con rùa thả về biển, 30 năm sau, chỉ còn 1 con sống sót. |