ThienNhien.Net – “Việc khai thác cát không phép diễn ra rầm rộ trên dòng sông Mã, tỉnh Sơn La suốt nhiều năm qua, có lẽ là chính quyền chưa quyết tâm, chứ không phải “bó tay.” Trong việc này, nếu muốn chấm dứt triệt để, chính quyền địa phương cứ cho dân quân, công an xuống phong tỏa hiện trường, tịch thu tang vật, lập biên bản mà xử lý mạnh tay. Luật pháp đã có, cứ theo đó mà giải quyết.”
Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội) đã chia sẻ như vậy khi trao đổi về nạn khai thác cát không phép diễn ra rầm rộ suốt nhiều năm qua trên dòng sông Mã, tỉnh Sơn La.
Theo luật sư Tú, tình trạng khai thác cát không phép như báo chí phản ánh chứng tỏ chính quyền ở đây đã buông lỏng quản lý, cần phải sửa sai ngay. “Tôi thấy một việc diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật như vậy mà không giải quyết được thì thử hỏi năng lực để giải quyết các việc khác đến đâu?” – luật sư Tú đặt câu hỏi.
Đề cập đến việc Chi cục Thuế huyện Sông Mã thu thuế tài nguyên, trong khi người dân khai thác cát không phép, luật sư Tú cho rằng việc nộp thuế vào ngân sách như thế là không phù hợp. Cát, sỏi là thuộc tài nguyên khoáng sản thế nên cơ quan Nhà nước muốn thu thuế phải dựa trên cơ sở có giấy phép khai thác khoáng sản, còn nếu không có giấy phép mà thu thuế là không đúng quy định.
“Như vậy, chính việc bị thu thuế đã khiến các đối tượng ngỡ việc khai thác cát là hợp pháp rồi, cứ thế mà thực hiện. Sự việc này có mặt tích cực là tránh thất thu thuế của Nhà nước, tránh lãng phí tài nguyên, thế nhưng lại có mặt tiêu cực là biến một hành vi phạm pháp trở thành hành vi hợp pháp,” luật sư Tú phân tích.
Cũng theo luật sư Trương Anh Tú, việc khai thác cát ở sông Mã rất dễ nên mới có tình trạng khắp các con sông bị đào bới không thương tiếc. Vấn đề này diễn ra từ nhiều năm nay, từ khi bùng nổ nhu cầu xây dựng tại địa phương.
Hiện nay, khai thác cát bị ràng buộc bởi luật Khoáng sản, phải được cơ quan chức năng cấp phép. Thế nên những nơi đã được cấp phép, người ta biết đào thế nào cho hợp lý và đúng quy chuẩn. Sau khi đào, hút họ còn phải hoàn thổ thế nào để không ảnh hưởng đến môi trường.
Còn đối với việc khai thác cát không phép thì họ cứ đào vô tội vạ. Từ đó tác hại môi trường vô cùng lớn. Việc khai thác này chỉ có vài người được hưởng lợi, phần còn lại của đất nước bị thiệt hại.
“Theo tôi việc đã xảy ra rồi, tỉnh vẫn giữ lại số thuế đã thu để bổ sung vào nguồn ngân sách vì trên thực tế người dân vẫn được hưởng lợi từ việc này. Nhưng mặt khác, chính quyền địa phương cần tuyên bố với người dân là phải dừng ngay lại việc khai thác cho đến khi có được giấy phép.
Trong thời gian tới chưa có giấy phép mà vẫn khai thác thì phải xử phạt, tịch thu máy móc ngay, chứ không thể để nạn “ăn trộm” tài nguyên khoáng sản quốc gia như thế được”, vị luật sư này nhấn mạnh.
Điều 18, Luật Khoáng sản quy định: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; tổ chức bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; huy động và chỉ đạo phối hợp các lực lượng trên địa bàn để giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép tại địa phương.Trong khi đó, Điều 37, Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 cũng quy định phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mà không có giấy phép khai thác khoáng sản. Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản; tịch thu phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định.
Tương tự, Điều 45, Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 quy định, Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 1 tỷ đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. |