Khai thác cát ở sông Mã: Biết là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thu thuế

ThienNhien.Net – Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Bùi Minh Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, cho biết hoạt động khai thác cát trên sông Mã là hoàn toàn tự phát, tỉnh cũng chưa có chủ trương thu thuế từ loại khoáng sản này vì chưa cấp phép khai thác nên không có cơ sở nào định giá trữ lượng.

Tuy nhiên, ở góc độ đơn vị quản lý thuế cấp huyện, lãnh đạo Chi cục Thuế huyện Sông Mã lại khẳng định họ vẫn thu thuế bình thường. Chỉ tính riêng năm 2014, Chi cục thuế này đã thu được hơn 600 triệu đồng từ việc khai thác cát, còn từ đầu năm 2015 đến nay chưa thu được đồng thuế nào.

Cát sau khi được hút lên bãi sẽ được múc lên xe tải trọng lớn đưa đi tiêu thụ. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Cát sau khi được hút lên bãi sẽ được múc lên xe tải trọng lớn đưa đi tiêu thụ. (Ảnh: Hùng Võ/vietnamplus.vn)

Thu thuế dựa vào ý thức của “cát tặc”?

Theo người dân khai thác cát cho biết, một tàu hút cát có công suất trung bình từ 30m3 đến 40m3/ngày. Hiện trên dòng sông Mã có gần 100 tàu hoạt động liên tục, nên số lượng cát được hút lên là rất lớn.

Điều khó hiểu là, cơ quan chức năng ở đây thay vì ra quân xử lý nghiêm việc khai thác cát trái phép diễn ra công khai giữa ban ngày thì họ lại ngang nhiên thu thuế. Thực tế này khiến dư luận nghi ngờ cơ quan chức năng đang vô tình “tiếp tay” cho việc khai thác cát khi chưa được cấp phép.

Ông Lê Hồng Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Sông Mã cho biết, việc quản lý khai thác cát tại huyện Sông Mã chủ yếu là do các hộ dân khai thác tự phát, chưa được chính quyền và cơ quan chức năng cấp phép hay đánh giá trữ lượng. “Tuy nhiên, là cơ quan thuế, chúng tôi vẫn tiến hành thu thuế khi phát hiện có hoạt động khai thác cát.”

Cụ thể, trong năm 2014, Chi cục thuế huyện Sông Mã đã thu được hơn hơn nửa tỷ đồng, tuy nhiên từ đầu năm 2015 đến nay, đơn vị này chưa hề thu được đồng nào. “Lý do là, vì một số hộ đã tham gia vào mô hình Hợp tác xã – thành lập tổ giám sát, tự kê khai sản lượng, tự nộp thuế. Còn từ đầu năm tới giờ, các Hợp tác xã, chủ tàu họ bảo không khai thác nên chúng tôi cũng không có cơ sở nào để thu,” ông Xuân phân bua.

Vị Chi cục trưởng này cũng cho biết, cát ở huyện Sông Mã chủ yếu là cát trôi, toàn ở giữa dòng nên cũng không có gì to tát gọi là lở bờ. Mặt khác, vì là cát trôi nên khi được người dân khai thác, cát lại từ trên cao nó trôi về. Cơ quan chức năng không thể đánh giá trữ lượng cát trôi. Chính vì thế, cho đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường cũng chưa có thăm dò chính thức nào.

“Trước kia, có ý kiến cũng muốn thông qua việc đánh giá thủy văn (lượng nước chảy) để đánh giá lượng cát, nhưng đến giờ vẫn chưa có kết quả gì,” ông Xuân nói.

Lý giải rõ hơn về việc quản lý thu thuế, ông Lò Văn Thiêm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Sông Mã, cho biết trước đây (năm 2014), ​dù các hộ gia đình khai thác cát tự phát, nhưng Chi cục thuế huyện vẫn tiến hành thu theo quy định tại Điều 38 của Luật Quản lý thuế, với tổng số thu thuế trên 600 triệu đồng. Từ tháng 11/2014, các hộ dân đã tham gia mô hình hợp tác xã, họ đã có tư cách pháp nhân, tự tính, tự khai, tự nộp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thuế.

Ông Thiêm cho rằng, khi các hộ dân tham gia mô hình hợp tác xã, nghĩa là họ đã có tư cách pháp nhân, nếu như họ có phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh, họ có tờ khai từ cơ quan thuế, có giấy tờ thuế phù hợp thì cơ quan thuế vẫn tiến hành thu. Tuy nhiên, trong năm 2015 chưa thấy phát sinh, vì đang có sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện là chờ cấp phép.

Trước băn khoăn “liệu khi thành lập Hợp tác xã, doanh nghiệp được phép tự kê khai sản lượng, nhưng nếu họ không kê khai thì cơ quan thuế huyện Sông Mã căn cứ vào đâu để thu thuế?,” ông Thiêm khẳng định, trong quá trình mua bán cát bắt buộc hợp tác xã phải kê khai, xuất hóa đơn.

“Tuy nhiên, đối với các khách hàng mua cát với số lượng nhỏ lẻ, thì chắc là hợp tác xã họ cũng không xuất, cái đó mình cũng không kiểm soát hết được,” ông Thiêm thừa nhận.

Cát được tập kết thành bãi ven sông Mã. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Cát được tập kết thành bãi ven sông Mã. (Ảnh: Hùng Võ/vietnamplus.vn)

Thu thuế khi chưa cấp phép khai thác là sai?

Bà Cầm Thị Ngọc Yến, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Sông Mã thừa nhận, việc ​thu thuế khi chưa cấp phép khai thác​ là mâu thuẫn, nhưng thấy tài nguyên bị khai thác trong phạm vi ​mình quản lý mà không thu thuế cũng là điều rất khó.

“Người ta khai thác mà mình không thu thuế cũng là một vấn đề. Việc này huyện cũng đưa ra bàn, thế nên về việc quản lý nhà nước vẫn phải thu, tất nhiên thuế hiện nay đang được thực hiện theo kiểu để người dân khai thác tự kê khai,” bà Yến nói.

Trong khi đó, trả lời câu hỏi của phóng viên VietnamPlus, ông Bùi Minh Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La cho rằng có thể Chi cục Thuế huyện Sông Mã thấy có hoạt động khai thác, lo lắng “mất” tài nguyên nên mới tiến hành thu, chứ trong việc này tỉnh Sơn La chưa có chủ trương thu thuế.

“Đúng ra là, mình phải có giấy phép thăm dò, cấp quyền khai thác xong mới được thu thuế,” ông Hải nói.

Nói thêm về việc thu thuế, Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La cho rằng, năm ngoái Chi cục Thuế huyện Sông Mã thu được thuế là vì quy định còn có sự “nhập nhèm” giữa Luật Khoáng sản cũ và Luật Khoáng sản mới. Tuy nhiên, sau khi các văn bản, Nghị định, Thông tư hoàn thiện rồi thì cơ quan thuế không thể thu được.

Từ góc độ chuyên gia độc lập, ông Đào Trọng Hưng, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cũng khẳng định, việc kiểm soát nguồn thu là rất khó, bởi sản lượng chưa minh bạch thì làm sao minh bạch được nguồn thu thuế. “Trong chuỗi giá trị của khoáng sản cũng hoàn toàn không thể lượng giá được. Thứ hai là, quyền lực, nhóm lợi ích nằm trong đó rất lớn nên nó cũng là vấn đề cần phải bàn,” ông Hưng nói.