ThienNhien.Net – Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ xóa bỏ ngay khoảng 85,6% dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu hiện tại của Việt Nam vào EU, khi hiệp định có hiệu lực. Bộ Tài chính đã phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch tuyên truyền giới thiệu các cam kết, cơ hội, thách thức.
Tại buổi họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính ngày 20/8, ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế cho rằng: Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam hầu hết chưa hiểu rõ và tận dụng được cơ hội của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức những buổi tập huấn giới thiệu cho các doanh nghiệp về các hiệp định thương mại tự do, từ đó, các doanh nghiệp có thể đánh giá khả năng, cơ hội và thách thức khi hội nhập.
Bộ Tài chính cho biết, theo Hiệp định, sau 7 năm từ khi có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.
Cụ thể, đối với mặt hàng dệt may, giày dép và thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên), EU sẽ bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho các sản phẩm của Việt Nam, trong vòng 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Nhiều nhóm sản phẩm quan trọng sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Riêng đối với cá ngừ đóng hộp, EU đồng ý dành cho Việt Nam một lượng hạn ngạch, với thuế quan thỏa đáng.
Đối với sản phẩm gạo, bao gồm cả gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm cũng được miễn thuế hoàn toàn, khi Hiệp định có hiệu lực. Riêng đối với gạo tấm, thuế nhập khẩu vào thị trường này sẽ được xóa bỏ theo lộ trình. Còn đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế nhập khẩu về 0% trong vòng 7 năm.
Toàn bộ các sản phẩm rau củ quả chế biến, nước hoa quả khác; các sản phẩm túi sách, vali, sản phẩm nhựa, gốm sứ thủy tinh… về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.
Một số sản phẩm nông nghiệp nhạy cảm như ngô ngọt, tỏi, nấm, đường và các sản phẩm có chứa đường, tinh bột sắn… EU sẽ không xóa bỏ thuế nhập khẩu, nhưng sẽ dành cho Việt Nam một lượng hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch 0%, ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Cũng theo ông Vũ Như Thăng, để thực hiện cam kết theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ 48,5% dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU và sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU.
Đối với các dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm, hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạch thuế quan của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Đối với một số nhóm hàng quan trọng như ô tô, linh kiện ô tô, xe máy…, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình. Cụ thể, đối với ô tô phân khối lớn (trên 3.000 cc cho động cơ xăng và trên 2.500 cc cho động cơ diesel) sẽ xóa bỏ thuế quan sau 9 năm. Các loại ô tô còn lại là 10 năm.
Đối với linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy phân khối lớn (trên 150 cc), Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan trong vòng 7 năm, các loại xe máy còn lại là 10 năm…
Còn ông Hà Duy Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài chính) cho rằng, khi EVFTA có hiệu lực, các sản phẩm từ châu Âu sẽ được nhập khẩu nhiều về Việt Nam, vì thế rất có thể giá các mặt hàng đến từ thị trường này sẽ giảm, như thế người dân sẽ được hưởng lợi.
Về mặt hàng sữa, đại diện Bộ Tài chính cho biết, về mặt nguyên tắc giảm thuế nhập khẩu là giảm chi phí DN nhưng còn phụ thuộc vào một số yếu tố như cơ chế phân phối. Hiện sữa nhập từ nhiều nơi trên thế giới như Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, EU… nên thị trường có sự cạnh tranh, do đó, “kỳ vọng” người tiêu dùng được hưởng lợi từ giảm giá sữa.