ThienNhien.Net – Mặc dù các cơ quan chức năng tỉnh Sơn La khẳng định đã có những cuộc ra quân, truy quét nạn “cát tặc,” thế nhưng nhiều năm qua, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại tỉnh miền núi vùng Tây Bắc này vẫn diễn ra công khai, rầm rộ ngay giữa ban ngày.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao tình trạng khai thác cát trái phép này diễn ra nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được ngăn chặn, xử lý? Ghi nhận của phóng viên VietnamPlus về tình trạng khai thác cát trái phép ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La sẽ cho thấy nhiều bất cập trong việc ngăn chặn nạn “cát tặc” diễn ra công khai này.
Bài 1: Nhức nhối nạn “cát tặc” công khai “rút ruột” dòng sông Mã
Nhiều năm qua, dòng sông Mã huyền thoại chảy qua địa bàn huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã phải “oằn mình” trước nạn khai thác cát không phép. Điều đáng nói là, việc khai thác cát này diễn ra rầm rộ giữa ban ngày, với quy mô lớn, nhưng chính quyền địa phương vẫn mặc nhiên để cho “cát tặc” hoạt động.
“Cát tặc”… lộng hành
Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, phóng viên báo VietnamPlus đã có hành trình ngược lên sông Mã (tại địa phận huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La), nơi đang ngày ngày phải “oằn mình” chống chọi với nạn khai thác cát trái phép.
Khoảng 17 giờ ngày 12/8, có mặt tại huyện Sông Mã, chúng tôi đã ghi nhận rất nhiều tàu thuyền đang khai thác cát rầm rộ, “quần thảo” như một đại công trường. Chỉ tính riêng một khúc sông Mã, khoảng 1km, đoạn chảy qua các xã Chiềng Khương, Chiềng Cang của huyện Sông Mã đã có gần 30 chiếc thuyền nối đuôi nhau “rút ruột” lòng sông.
“Việc khai thác cát không phép diễn ra công khai suốt ngày, nhưng để thấy quy mô lớn các chú phải đi vào buổi sáng,” một chủ tàu hút cát tiết lộ.
Theo thông tin chưa đầy đủ từ Ủy ban nhân dân huyện Sông Mã, trên địa bàn huyện này hiện có khoảng vài chục chủ tàu, thuyền hút cát trên sông. Tuy nhiên, theo một số chủ tàu thì nơi đây có gần 100 tàu, thuyền hoạt động khai thác cát. Điều đáng nói là hầu hết các chủ tàu, thuyền và lao động khai thác cát tại thượng nguồn sông Mã chưa đăng ký kinh doanh với nhà nước, nên không phải nộp thuế khai thác khoáng sản cho địa phương.
Anh Phong, một lái xe chở cát, kiêm chủ tàu hút cát tại xã Chiềng Cang cho biết, người dân ở đây thường hút cát vào sau mùa lũ. Một số chủ tàu khai thác gặp vũng cát lớn cũng thu được 40m3 cát/ngày. Tính ra, nếu bán cát vàng, cát xây tại huyện thì chỉ được giá 160.000-170.000đồng/m3, nhưng chở ra đến thành phố Sơn La được giá trên 200.000 đồng/m3.
Người đàn ông này cũng cho biết, việc khai thác cát ở đây đã diễn ra từ lâu. “Thời gian vừa rồi cũng thấy có đoàn xuống kiểm tra, nhưng lúc ra về họ nói với người dân là phải nhìn nhau mà làm, chứ cũng không có chỉ đạo cấm gì chính thức.”
Sạt lở bờ sông, băm nát đường quốc lộ
Ở dưới sông là vậy, còn ở trên bờ, các đoàn xe tải cũng thay nhau đến chỗ tập kết chở cát đi tiêu thụ công khai. Và dĩ nhiên, tài nguyên khoảng sản đang bị chiếm đoạt một cách trắng trợn. Điều đáng nói là, việc khai thác cát không phép rầm rộ diễn ra khắp nơi trên dòng sông Mã, nhưng không thấy cơ quan chức năng nào ngăn chặn?
Theo ghi nhận của phóng viên VietnamPlus, dọc tuyến đường quốc lộ G4, những bãi cát “khổng lồ” được các chủ tàu, thuyền hút cát đổ tràn cả ra đường, nhiều đoạn ở hai bên bờ sông Mã bị sạt lở, lấn vào ruộng vườn của một số hộ dân.
Giữa lòng đường, con đường duy nhất từ huyện Sông Mã đi thành phố Sơn La và các huyện, tỉnh, thành khác nhiều đoạn bị băm nát, trơ ra những vùng lõm vì xe chở cát quá tải trọng lớn nườm nượp vào ra chở cát mỗi ngày. Có đoạn đường bị sụt lún, tạo thành những “ổ voi,” “ổ gà,” mỗi khi xe đi qua cuốn theo bụi bay mù mịt gây nguy hiểm, khó khăn cho người tham gia giao thông và những hộ dân sinh sống gần đó.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, bà Cầm Thị Ngọc Yến, Phó chủ tịch phụ trách kinh tế huyện Sông Mã thừa nhận, việc người dân khai thác cát không phép là có thật và diễn ra từ nhiều năm. “Nơi đây, khi đến mùa mưa cát trôi về bà con mới tận thu,” bà Yến nói.
Chính quyền bất lực hay tiếp tay?
Trước tình trạng khai thác cát không phép diễn ra một cách rầm rộ, ngày 31/12/2014, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Sông Mã ông Vi Đức Thọ đã ra văn bản số 1337/UBND gửi Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn yêu cầu dừng hoạt động khai thác cát trên dòng sông Mã, suối thuộc địa bàn huyện Sông Mã.
Công văn này nêu rõ: Trong khi chờ cấp có thẩm quyền tổ chức đấu giá quyền khai thác và cấp Giấy phép khai thác cát trên địa bàn huyện Sông Mã, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Sông Mã chỉ đạo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, vận động và yêu cầu các tổ chức (hợp tác xã), cá nhân dừng hoạt động khai thác cát trên dòng sông Mã, suối thuộc địa bàn xã, thị trấn quản lý; tổ chức kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Khoáng sản, không chấp hành chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh và huyện báo báo Uỷ ban nhân dân huyện trước ngày 15/1/2015.
Mặc dù quy định cấm đã được thể hiện rõ như vậy, nhưng không hiểu vì lý do gì, việc khai thác cát đến nay vẫn tiếp diễn một cách rầm rộ, công khai giữa ban ngày như một “đại công trường.”
Trao đổi với phóng viên, bà Cầm Thị Ngọc Yến, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Sông Mã khẳng định tình trạng khai thác cát trên sông Mã thuộc địa bàn quản lý là có. Trước đây Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La đi kiểm tra, cũng có xử phạt nhưng việc chấp hành chưa triệt để. Đến khi huyện đi kiểm tra cũng chỉ dừng lại với giải pháp cấm không cho hoạt động.
“Về phần địa phương, chúng tôi có đôn đốc, nhắc nhở, giao cho xã quản lý, nhưng khi kiểm tra, phát hiện việc khai thác cát thì cho khóa máy nhưng sau đó họ lại phá khóa để tiếp tục làm. Rõ ràng, việc bà con cố tình làm rất khó kiểm soát. Hơn nữa, lực lượng của mình không nhiều để mà trực đó được,” bà Yến nói.
Theo những gì mà vị lãnh đạo huyện cho biết, có thể thấy rằng, chính quyền địa phương dường như bất lực với nạn khai thác cát trái phép trên dòng sông Mã này. Thực tế trên cũng cho thấy, việc người dân ngang nhiên khai thác cát chính quyền địa phương đều biết, vậy cớ gì họ không ra quân xử lý quyết liệt?.